Mỹ giết tướng Iran là sai lầm lớn, sẽ hối hận?

Theo kênh Al Jazeera, Mỹ không kích và giết chết tướng Qassem Soleimani - chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã làm thay đổi những quy tắc giao chiến giữa Mỹ và Iran, các nhà phân tích Iran cho hay.

“Không phải nhân vật trong bóng đêm”

Ông Soleimani, gương mặt đại diện cho chính sách ngoại giao quân sự hóa của Iran tại Trung Đông trong 20 năm, bị giết chết trong một cuộc không kích của Mỹ tại sân bay quốc tế Baghdad của Iraq sáng 3-1.

Ông Soleimani là người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ Quds của IRGC và là kiến trúc sư về sức mạnh chính trị của quân sự của Iran.

Ông Qassem Soleimani tại cuộc họp một nhóm các thành viên của IRGC. Ảnh: AP

Ông Soleimani bị hạ sát cùng Abu Mahdi al-Muhandis, phó chỉ huy Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) - một ô dù của dân quân Iraq. Mặc dù PMF được hợp nhất hợp pháp vào lực lượng an ninh chính thức của Iraq song giới phê bình cho hay một số phe phái vẫn hoạt động độc lập với Baghdad và một số được tài trợ và trang bị vũ khí thông qua IRGC.

Nhà Trắng và Lầu Năm Góc xác nhận giết chết tướng Soleimani ở Iraq, nói rằng cuộc tấn công được tiến hành theo chỉ đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhằm ngăn các cuộc tấn công trong tương lai do Iran lên kế hoạch.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trong một tuyên bố phát trên truyền hình nhà nước Iran ngày 3-1 cảnh báo rằng  “sự trả thù khắc nghiệt” đang chờ những “tên tội phạm” đã giết chết ông Soleimani.

Nhà phân tích chính trị Iran Mohammad Marandi nói với kênh Al Jazeera rằng Mỹ sẽ hối hận về vụ sát hại ông Soleimani và ông mô tả đây là hành động chiến tranh chống lại Iran và Iraq.

Theo ông Marandi, Mỹ đã “thay đổi các quy tắc giao chiến với Iran trong vụ sát hại một quan chức chính phủ và quân đội cấp cao của Iran”. Ông Marandi nói rằng vụ hạ sát trên thực tế đã “kết nối bàn tay của Iran và Iraq với nhau để tấn công các binh sĩ Mỹ và những người phương Tây khác ở Iraq”.

Ông Soleimani là một nhân vật quân sự được kính trọng ở Iran bởi vai trò của ông trong việc thống nhất các lực lượng dân quân được Iran và Iraq hậu thuẫn để đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khi đội quân cờ đen trỗi dậy ở Iraq năm 2015.

Ông Soleimani giữ vai trò thiết yếu trong sự thất bại cuối cùng của chúng, chuyên gia Foad Izadi của ĐH Tehran nói với kênh Al Jazeera.

Chuyên gia Marandi cho hay ông Soleimani được yêu mến ở Iran, trái ngược hoàn toàn với nhận thức mà truyền thông phương Tây xây dựng về ông ấy, trong đó thường khắc họa ông là một “nhân vật trong bóng đêm”.

 “Ông ấy không hề lờ mờ chút nào cả. Ông ấy được công chúng biết đến nhiều và thường có những bài phát biểu trước công chúng vào các dịp lễ quốc gia” - ông Marandi nói.

Hàng ngàn người Iran xuống đường ở Tehran sau khi cầu nguyện cho cái chết  của ông Soleimani hôm 3-1. Ảnh: EPA

Trao đổi với Al Jazeera, nhà phân tích Iran Abas Aslani cho hay ông Soleimani là một nhân vật có tầm ảnh hưởng trong xã hội Iran và đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Iran.

Theo ông Aslani, vụ sát hại ông Soleimani sẽ mở ra một “chương mới” trong hành vi chính trị và quân sự của Iran ở Trung Đông.

“Vụ sát hại này sẽ không ngăn Iran bắt kịp các chính sách đối ngoại của nước này trong khu vực” - ông Aslani nhận định.

 “Sai lầm”

Cựu quan chức tình báo của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Bob Baer cho rằng vụ sát hại Soleimani là một “sai lầm lớn” đối với Mỹ, thêm rằng phản ứng của Iran có thể làm leo thang căng thẳng Mỹ-Iran rất nhanh.

 “CIA không có chiến dịch tình báo thực sự bên trong Iran và không ai trong chính quyền ông Trump hiểu được tâm lý của Iran” - ông Baer cho hay.

Cựu quan chức CIA nói thêm rằng vụ sát hại ông Soleimani đặt binh sĩ Mỹ và công dân Mỹ tại Iraq và khu vực vào nguy hiểm lớn hơn, nhất là khi Mỹ không có quân đội chiến đấu ở Iraq và quân đội Iraq lại quá yếu để có thể bảo vệ đại sứ quán Mỹ hay các lợi ích khác của Mỹ tại Iraq.

 “Bởi thế, không ai có thể đoán được tình hình sẽ diễn ra thế nào” - ông Baer nói.

Trong thời gian Mỹ xâm lược Iraq, ông Soleimani đã có công dạy lực lượng dân quân Shia cách chế tạo thiết bị nổ tự tạo (IED) cài cắm lề đường, gây ra cái chết của 600 binh sĩ. Ảnh: GETTY

Tác động vùng Vịnh

Nhà phân tích Marandi cho hay các đồng minh vùng Vịnh của Mỹ như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có thể “trả giá cho hành động này của Mỹ bởi họ là một phần trong liên minh tấn ông Iran của Mỹ”.

Mặc dù UAE có mối quan hệ thương mại và kinh tế vững mạnh với Iran, song nước này cùng Saudi Arabia trong nhiều năm đã vận động Mỹ đối đầu với chính sách địa chính trị cứng rắn của Iran ở vùng Vịnh và trong khu vực.

Cả UAE và Saudi Arabia đang tham gia cuộc chiến ở Yemen chống nhóm nổi dậy Houthi.

Saudi Arabia không có quan hệ ngoại giao với Iran và thường thúc giục các nhà lập pháp Mỹ đáp trả sự can thiệp quân sự của Iran trong khu vực mạnh mẽ hơn.

Ông Trump làm gì khi Mỹ hạ sát tướng Iran?
Ông Trump làm gì khi Mỹ hạ sát tướng Iran?
(PLO)- “Đêm qua là một buổi tối lịch sử đáng nhớ tại Mar-a-Lago - Nhà Trắng mùa đông. Tự hào về tổng thống của chúng tôi vì đã ra quyết định hành động” - ông McCarthy viết trên Twitter.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm