Thứ trưởng Bộ Các vấn đề hàng hải Arif Havas Oegroseno phát biểu như trên tại hội thảo do Quỹ châu Á tổ chức ở Washington, D.C. hôm 30-3 (giờ địa phương) khi được hỏi liệu Indonesia hoặc ASEAN có công khai đưa ra tuyên bố nào ủng hộ các bên tuân thủ phán quyết của tòa hay không.
Theo tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 31-3, Indonesia đã công khai nhận định yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc không phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Gần đây Indonesia đã tăng cường giám sát sau vụ tàu hải cảnh Trung Quốc can thiệp khi tàu tuần tra Indonesia áp giải tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép gần quần đảo Natuna.
Thứ trưởng Oegroseno nhận định phán quyết của tòa có thể ảnh hưởng đến việc giải quyết tranh chấp của các nước trong khu vực vì các nước có thể sử dụng phán quyết như một yếu tố trong đàm phán song phương. Ông cho rằng phán quyết nên đề cao tầm quan trọng của việc sử dụng biện pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp.
Một số quốc gia Đông Nam Á đã làm như vậy. Cụ thể là tranh chấp chủ quyền giữa Indonesia và Malaysia về quần đảo Ligitan và Sipadan năm 2002 hoặc giữa Malaysia và Singapore về đảo Pedra Branca năm 2008. Cả hai vụ này đều được đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế.
Ông Oegroseno từng làm đại sứ Indonesia tại Bỉ, Luxembourg, EU và là chủ tịch hội nghị các quốc gia thành viên UNCLOS lần thứ 20. Ông đã giữ vai trò trung gian đàm phán về tranh chấp biên giới biển giữa Indonesia và Philippines từ nhiều thập niên. Tranh chấp đã được giải quyết ổn thỏa năm 2014.
Trong khi đó, nhiều ý kiến lo ngại Trung Quốc sẽ tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông để trả đũa phán quyết của tòa.
Tại cuộc hội thảo do báo Washington Posttổ chức hôm 30-3, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Bob Work khẳng định: “Chúng tôi không thừa nhận vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông. Chúng tôi không tin rằng điều đó có cơ sở luật pháp quốc tế”. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nói rất rõ với phía Trung Quốc điều đó. Chúng tôi cho rằng vùng nhận dạng phòng không sẽ gây bất ổn”.
Trước đó, ngày 29-3, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Colin Willett đã phát biểu khẳng định các cơ sở Trung Quốc xây dựng trong vùng biển tranh chấp ở biển Đông rõ ràng phục vụ cho mục đích quân sự. Cùng ngày, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes tiếp tục khẳng định quan điểm phi quân sự hóa và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.