Khác hẳn với những người tiền nhiệm, ông Tillerson từng có kinh nghiệm lãnh đạo một tập đoàn quốc tế và thiết lập được nhiều mối quan hệ thân thiết từ Trung Đông đến Nga. Khi cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh nổ ra, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào ông Tillerson, trông chờ ông trở thành một “nhạc trưởng” cho ngoại giao Mỹ tại khu vực.
Nhưng cũng chính cơ hội này đã đẩy ông “trùm dầu khí” lẫy lừng một thời rơi vào tình huống mà không một ngoại trưởng Mỹ nào muốn gặp: Bất đồng quan điểm với tổng thống Mỹ. Trong khi ông Tillerson cố gắng trở thành người trung gian và thúc đẩy các bên thương lượng tiến tới giải hòa, Tổng thống Trump lại công khai ủng hộ Saudi Arabia. Trong lúc ông Trump cáo buộc Qatar là “nhà tài trợ khủng bố cấp độ cao” thì Bộ Ngoại giao Mỹ lại nghi Saudi Arabia lợi dụng cáo buộc khủng bố để trả đũa Qatar vì mâu thuẫn khu vực. Bất đồng về vấn đề Qatar càng làm nổi bật thêm bài toán khó mà Tổng thống Trump đang đối mặt: Ai sẽ là “nhạc trưởng” cho ngoại giao Mỹ-Trung Đông?
Nhân vật nổi lên thách thức vai trò này của ông Tillerson chính là Jared Kushner - con rể ông Trump và cố vấn cấp cao của Nhà Trắng. Đã có những bất đồng quan điểm sâu sắc về khu vực Trung Đông giữa ông Tillerson và ông Kushner. Cố vấn Nhà Trắng từng công khai ủng hộ việc quốc vương Saudi Arabia Salman phế truất thái tử và thay thế bằng con trai mình là Mohammed bin Salman. Ngược lại, ngoại trưởng Mỹ phản đối bày tỏ sự thiên vị với một số cá nhân trong hoàng tộc Saudi, cho đó là chuyện nội bộ của quốc gia Trung Đông.
Ông Kushner cùng với cố vấn chiến lược Stephen K. Bannon cũng đã kêu gọi ủng hộ cấm vận Qatar nhằm trừng phạt các hành động hậu thuẫn cho khủng bố. Còn ông Tillerson lại cố gắng khuyến cáo chính phủ Mỹ thể hiện lập trường trung lập để giữ vững Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Trong khi chính quyền Mỹ hối thúc Saudi Arabia và Ai Cập đưa ra những điều kiện cho Qatar, thì ông Tillerson cũng đã kêu gọi Qatar đưa ra các yêu sách ngược lại.
Sự thiếu nhất quán này cho thấy Mỹ vẫn còn trống một tiếng nói quyết định trong chính sách đối với các vấn đề Trung Đông. Nếu như khoảng trống này không sớm được lấp đầy, sức ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực sẽ đứng trước nguy cơ bị thách thức bởi các cường quốc khác.