Ngày 31-7, Mỹ, Nga và Trung Quốc lên tiếng vụ lãnh đạo chính trị Hamas - ông Ismail Haniyeh bị ám sát tại thủ đô Tehran (Iran).
Ông Haniyeh bị ám sát hôm 31-7 khi đến Tehran dự lễ nhậm chức của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian.
Iran và Hamas đổ lỗi cho Israel về vụ ám sát. Israel từ chối bình luận.
Ngày qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Mỹ “không biết và không liên quan” vụ ông Haniyeh bị ám sát.
Trả lời phỏng vấn đài CNA, ông Blinken tái khẳng định cam kết của Mỹ với lệnh ngừng bắn ở Gaza và cho biết ông sẽ không suy đoán về tác động của vụ ám sát.
“Không có gì làm mất đi tầm quan trọng của việc đạt được lệnh ngừng bắn đưa con tin [Israel] về nhà cũng như vì lợi ích của người dân Palestine” - ông Blinken nói.
Cũng trong ngày 31-7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng ông không mong chiến tranh bùng nổ ở Trung Đông nhưng Mỹ sẽ bảo vệ Israel nếu nước này bị tấn công.
Nga ngày qua “lên án mạnh mẽ” vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát, theo đài RT.
“Những hành động như vậy nhằm chống lại các nỗ lực thiết lập hòa bình trong khu vực và có thể làm mất ổn định đáng kể tình hình vốn đã căng thẳng” - người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố lên án vụ tấn công, khẳng định rằng “những kẻ tổ chức vụ ám sát chính trị này hiểu rằng những hành động như vậy tiềm ẩn nhiều hậu quả nguy hiểm cho toàn bộ khu vực”.
Bộ này nhấn mạnh rằng vụ việc sẽ có tác động cực kỳ tiêu cực đến các cuộc đàm phán giữa Hamas và Israel, kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và tránh nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trên quy mô lớn.
Đại sứ quán Nga tại Tehran gọi vụ ám sát là “tội ác chính trị không thể chấp nhận được”.
Trung Quốc cũng lên án mạnh mẽ việc lãnh đạo Hamas bị ám sát, cảnh báo rằng vụ việc có thể đẩy Trung Đông vào tình trạng hỗn loạn sâu sắc hơn.
“Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp khu vực thông qua đàm phán và đối thoại” - tờ South China Morning Post dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến.