Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho hay Thổ Nhĩ Kỳ có thể trục xuất các lực lượng Mỹ khỏi căn cứ Incirlik và Kurecik nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ. Lầu Năm Góc hiện đang làm mọi thứ có thể để giữ mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ không xấu hơn.
Theo hãng tin RT, căn cứ không quân Incirlik có đường băng dài 3.048 m, có thể chứa bất kỳ loại máy bay phản lực nào kể cả máy bay ném bom chiến lược. Có một số khu vực phân tán máy bay, hầm trú ẩn, nhà kho, trung tâm truyền thông tại căn cứ cũng như đài phát thanh, ánh sáng, thiết bị định vị, các đơn vị kiểm soát hoạt động của căn cứ, khu vực bảo trì và phụ trợ.
Một biểu tượng máy bay tại căn cứ Incirlik. Ảnh: REUTERS
Mỹ cũng cất trữ 40 quả bom hạt nhân B61 tại căn cứ Incirlik.
Căn cứ Incirlik là nơi trú đóng của Không đoàn 10 của Bộ Tư lệnh Không quân 2 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ và là nơi đóng quân của Không đoàn 39 của Không quân Mỹ. Có nhiều ước tính khác nhau nhưng có khoảng 5.000 nhân viên của lực lượng Không quân Mỹ đồn trú tại Incirlik.
Căn cứ Incirlik cất trữ máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135 Stratotanker. Những máy bay này đã tham gia các chiến dịch trên không ở Syria và Iraq. Tại căn cứ cũng có máy bay trinh sát và máy bay không người lái.
Căn cứ Incirlik được Không quân Mỹ tích cực sử dụng trong cuộc khủng hoảng Lebanon năm 1958, chiến dịch Bão táp sa mạc 1991, chiến dịch Con cáo sa mạc 1998 cũng như các cuộc chiến tranh ở Afghanistan từ năm 2001, Iraq từ năm 2003 và Syria.
Đòn bẩy khu vực
Nếu Tổng thống Erdogan yêu cầu lực lượng Mỹ rút khỏi Incirlik, điều đó nhất định sẽ làm giảm khả năng tác chiến và hoạt động của Không quân Mỹ ở Trung Đông.
Incirlik đã tạo cho Washington đòn bẩy nghiêm trọng trong việc đối phó với các quốc gia trong khu vực cũng như khả năng tác động lên các tình huống chính trị và quân sự của họ.
Vì thế nếu Mỹ mất căn cứ không quân Incirlik, điều này sẽ làm suy giảm nghiêm trọng cả khả năng phòng thủ lẫn tấn công, đặc biệt trong các trường hợp giả định mối đe dọa tới từ lãnh thổ Iran. Và ông Erdogan cũng thừa biết điều này. Ông ấy biết chơi quân bài nào và ông ấy đang giở con bài đó ra để giành phần thắng, theo RT.
Những tổn thất lớn khác
Một khí tài quan trọng khác của quân đội Mỹ và một thành tố quan trọng trong mạng lưới phòng thủ tên lửa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là hệ thống radar có thể di chuyển được bố trí tại căn cứ không quân Kurecik, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, cách không xa biên giới với Syria.
Mỹ cất trữ 40 quả bom hạt nhân B61 tại căn cứ Incirlik. Ảnh: RT
Hệ thống radar nằm ở tỉnh Malatya trên ngọn đồi cao 2.100 m so với mực nước biển và có khả năng phát hiện các tên lửa đạn đạo ở phạm vi 1.000 km. Mất hệ thống radar này sẽ làm hạn chế đáng kể khả năng cảnh báo các vụ tấn công bằng tên lửa của NATO.
Đối với các vũ khí hạt nhân của Mỹ đã được cất trữ tại Incirlik, rất có thể chúng không còn ở đó nữa. Theo cây bút bình luận quân sự Mikhail Khodarenok, ông có lý do để tin rằng người Mỹ đã chuyển những vũ khí hạt nhân này ngay sau khi nổ ra cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7-2017.
Do đó có khả năng các nhà kho ở Incirlik, nơi những quả bom hạt nhân B61 từng được cất trữ, đang trống.
Gây chia rẽ NATO
Sẽ mất bao lâu để Mỹ thu xếp đồ đạc và đáp ứng thời hạn nghiêm ngặt mà ông Erdogan gần như chắc chắn sẽ đặt ra nếu kịch bản này mở ra? Máy bay Mỹ chỉ cần vài giờ.
Hệ thống radar AN/TPY-2 có thể được đặt trên chiếc Boeing C-17 Globemaster III và chuyển tới căn cứ gần nhất ở châu Âu.
Tuy nhiên sẽ khó hơn nhiều để ước tính số tiền đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sẽ bị thất thoát trong một cuộc rút quân chóng vánh. Các cấu trúc vĩnh viễn không thể được chuyển đi bằng đường không hay đường sắt.
Vì thế sẽ rất phung phí nếu Mỹ từ bỏ những tài sản như căn cứ không quân Incirlik. Giá trị địa chính trị của căn cứ này cũng đặc biệt.
Người dân vẫy cờ Thổ Nhĩ Kỳ tại một lễ kỷ niệm ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: REUTERS
Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có thể đi đến một số thỏa thuận, thỏa hiệp, theo chuyên gia Khodarenok. Những nỗ lực Mỹ thực hiện nhằm gây sức ép lên ông Erdogan có thể dẫn đến sự phân nhánh cực kỳ bất lợi, khả năng là một sự chia rẽ lớn trong khối quân sự NATO.
Tất nhiên Ankara vẫn sẽ tập trung rất lớn vào việc nhập khẩu nhiều loại khí tài và phụ tùng từ phương Tây. Tuy nhiên, tư cách thành viên NATO không còn là nhu cầu thiết yếu đối với Thổ Nhĩ Kỳ, theo RT.
Khối liên minh này sẽ không giúp Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết một loạt vấn đề quân sự và chính trị mà nước này đang đối mặt như mối quan hệ với nước láng giềng Hy Lạp và tình hình về trữ lượng dầu khí ở ngoài khơi đông Địa Trung Hải.