Việc Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân (INF) sụp đổ đang gây ra lo ngại về nguy cơ sẽ có một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa các cường quốc thế giới. Có thể Mỹ sẽ tăng cường triển khai tên lửa mặt đất ở châu Á sau sự sụp đổ của Hiệp ước INF và điều này sẽ kéo Trung Quốc (TQ) vào một cuộc chạy đua vũ trang.
Tuần trước, ông Andrea L. Thompson - Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế xác nhận Mỹ đang tham vấn ký một hiệp ước phòng thủ đa phương với các đồng minh Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản, thúc đẩy kế hoạch triển khai tên lửa mặt đất tầm trung đến châu Á-Thái Bình Dương.
Mục tiêu của việc triển khai này là TQ, nước không phải thành viên INF, nhà báo độc lập và nhà phân tích chính sách đối ngoại Emanuele Scimia nhận định trong một bài viết trên báo SCMP.
Hiệp ước INF được Mỹ và Liên bang Xô viết ký kết năm 1987, ngăn hai nước sản xuất và triển khai các tên lửa thông thường và hạt nhân mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump chính thức rút Mỹ khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí song phương này vào ngày 2-8, với lý do Nga vi phạm hiệp ước. Washington cáo buộc Moscow đã sản xuất và lắp đặt tên lửa hành trình mặt đất Novator 9M729 từ năm 2016, vượt giới hạn INF.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin đã chính thức ngưng việc tham gia của Nga vào hiệp ước INF từ đầu tháng 7. Không những bác bỏ cáo buộc của Mỹ, Nga còn cho rằng chính Mỹ mới là bên vi phạm khi triển khai các đơn vị tên lửa phòng không Aegis Ashore ở Romania. Theo Nga, các đơn vị này có bệ phóng có thể phóng được cả tên lửa phòng không lẫn tên lửa hành trình Tomahawk.
Tên lửa mặt đất chiếm phần lớn năng lực tấn công của TQ
Tổng thống Trump muốn có một hiệp ước INF mới bao gồm cả Trung Quốc. Lý lẽ của chủ nhân Nhà Trắng là TQ có một lượng lớn tên lửa mặt đất, tên lửa hành trình tầm trung và tên lửa đạn đạo.
Các lãnh đạo TQ nói rõ nước này không hề có ý định giảm quy mô kho tên lửa của mình theo tinh thần hiệp ước INF, vì như thế sẽ làm yếu sức phòng thủ của mình.
TQ là một thế lực châu lục và phần lớn năng lực tấn công của nước này nằm ở hệ thống tên lửa mặt đất, trong khi đó Mỹ và Nga có ưu thế với các hệ thống tên lửa trên không và trên biển. Vì thế, các lãnh đạo TQ cho rằng tham gia vào hiệp ước INF đa phương sẽ tạo ra sự bất đối xứng trong năng lực giữa TQ và các đối thủ chiến lược.
Tàu ngầm hạt nhân lớp 094A Jin trang bị tên lửa đạn đạo của Trung Quốc tham gia một cuộc triển lãm quân sự tháng 4-2018. Ảnh: REUTERS
Thêm nữa, TQ không thể chấp nhận ý nghĩ giảm kho tên lửa mặt đất của mình trong bối cảnh Đài Loan có sở hữu một số lượng tên lửa nằm trong phạm vi INF và đang hướng về đại lục. Một trong số vũ khí chiến lược đó của Đài Loan là tên lửa hành trình tấn công phóng từ mặt đất Hsiung Feng IIE.
Hsiung Feng IIE có tầm bắn 600 km. Và Đài Loan nói mình đã sản xuất được một biến thể tên lửa tầm trung có khả năng bắn được mục tiêu cách xa cả 1.500 km. Chưa hết, có thông tin rằng Đài Loan đang triển khai tên lửa hành trình siêu thanh đất đối đất Yun Feng có tầm bắn từ 1.200 km đến 2.000 km.
TQ nói mình “sẽ không đứng yên” và sẽ có biện pháp trả đũa nếu Mỹ triển khai tên lửa mặt đất ở các nước đồng minh ở Thái Bình Dương hay đảo Guam.
Có tên lửa mặt đất ở khu vực, Mỹ mới yên tâm
Mỹ nói các tên lửa tầm trung của TQ là một mối đe dọa với các lực lượng Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, với sức mạnh của Mỹ ở tây Thái Bình Dương thì câu hỏi đặt ra liệu có lo ngại này có cần thiết hay không, theo nhà phân tích Scimia.
Nhiều nhà quan sát cũng đặt câu hỏi về nhu cầu triển khai tên lửa mặt đất của Mỹ, một khi Mỹ đã có ưu thế lớn ở khu vực với các hệ thống tên lửa phóng từ trên không và trên biển.
Theo các nhà quan sát, Mỹ không cần thiết phải triển khai tên lửa mặt đất tầm trung đến Đông Á vì ở khu vực này Mỹ đã có đủ lượng tên lửa phóng từ trên không và trên biển đối phó TQ.
Bản đánh giá chung về tình trạng hạt nhân của Mỹ năm 2018 đề cao khả năng chống đỡ của các lực lượng kháng cự của quân đội Mỹ, như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và tên lửa hành trình phóng từ trên không. Bản đánh giá này thậm chí không có bất cứ đề cập nào đến nhu cầu phải có hệ thống tên lửa mặt đất.
Tuy nhiên, trong một báo cáo gần đây, Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách (CSBA - Mỹ) cho rằng “khả năng đáp trả” của máy bay và tàu chiến Mỹ “có thể bị giảm” vì các đe dọa hiện tại với các lực lượng không quân, hải quân Mỹ ở tây Thái Bình Dương. Chưa kể cộng thêm các khó khăn khi thực hiện các chiến dịch hỗ trợ vì khoảng cách từ Mỹ đến khu vực quá xa.
Với các nhà phân tích CSBA, tên lửa mặt đất có thể phản ứng nhanh hơn, đặc biệt vào đầu chiến dịch khi “sức phòng thủ của kẻ thù còn mạnh, còn sức kháng cự cao nhất vì chưa bị tác động từ sức mạnh tấn công của Mỹ”.
Vấn đề cho chính phủ Mỹ hiện tại là các đồng minh và đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt Úc, Nhật, Hàn Quốc, Philippines đều không mong muốn đón nhận tên lửa mặt đất của Mỹ. Thêm nữa, phe Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện Mỹ lại rất miễn cưỡng với việc duyệt chi tiền phát triển, sản xuất mới tên lửa mặt đất tầm trung.
Một tên lửa hành trình chiến lược Tomahawk Block IV trong một lần bay thử ở nam California tháng 11-2002. Ảnh: US NAVY
Nhiều ý kiến cho rằng khôi phục chương trình cũ lắp đặt đầu đạn hạt nhân vào tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ biển, đặc biệt từ tàu ngầm, có thể sẽ khả quan hơn cả về chính trị, ngoại giao và tài chính.
Tên lửa hạt nhân tấn công Tomahawk phóng từ mặt đất đã được người tiền nhiệm ông Trump là Tổng thống Barack Obama cho ngưng triển khai, kể từ sau khi Mỹ công bố Đánh giá chung về tình hình hạt nhân Mỹ 2010.
Rủi ro khi tái khởi động chương trình này là có thể kích thích TQ tăng cường trang bị tên lửa cho các tàu ngầm thông thường lẫn tàu ngầm hạt nhân của mình và điều này sẽ đe dọa lớn đến Mỹ.
Trong báo cáo quân sự hàng năm gửi lên Quốc hội về sức mạnh quân sự của TQ, Mỹ có đề cập đến tàu khu trục lớp 055 của TQ. Mỹ cho rằng tàu này khả năng lớn có thể sẽ được TQ trang bị tên lửa hành trình tấn công từ mặt đất. Chưa hết, bước tiếp theo của TQ có thể sẽ là phát triển tên lửa hành trình hạt nhân phóng từ tàu ngầm.