Năm 2020: TP.HCM sẽ chú trọng đánh giá văn hóa công sở

“Tâm trạng con người thì có lúc thế này thế kia nhưng bản thân mỗi người cán bộ, công chức phải ý thức được chúng ta đang phục vụ người dân, cần giải thích, hướng dẫn cặn kẽ cho người dân hiểu. Còn mình hướng dẫn mà dân vẫn thấy không hiểu, không rõ thì nên xem lại”.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang đã đặt vấn đề như thế tại hội nghị sơ kết triển khai thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn TP.HCM năm 2019, do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức sáng 3-1.

Người dân còn phải đi lại rất nhiều lần khi làm thủ tục

Báo cáo tại hội nghị, ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho hay: Kết quả khảo sát cho thấy người dân và doanh nghiệp thể hiện mức độ hài lòng của mình đối với thái độ của cán bộ, công chức trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công tại các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn TP đạt 80% trở lên. Những sở có tỉ lệ hài lòng cao (trên 90%) gồm Sở Tư pháp TP.HCM, Sở KH&CN, Sở Công Thương, Sở GD&ĐT.

“Còn lý do người dân và doanh nghiệp không hài lòng rất đa dạng, nhưng nhiều nhất vẫn liên quan đến vấn đề thủ tục hành chính chưa tinh gọn, chưa rõ ràng. Thái độ phục vụ người dân cũng như sự hướng dẫn, chuyên môn của cán bộ, công chức chưa cao” - ông Lưu nói.

Theo ông Lưu, đa số người dân và doanh nghiệp phải đi lại tối thiểu hai lần để hoàn thành thủ tục hành chính ở 16 sở và các quận, huyện trên địa bàn TP. Trong đó, nhóm các cơ quan có số lần người dân và doanh nghiệp phải đi lại nhiều nhất là Sở LĐ-TB&XH, Sở TN&MT, Sở Xây dựng và Sở QH-KT.

Ở cấp quận, huyện, số lần đi lại để hoàn thành thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp không dưới hai lần, trong đó trung bình số lần đi lại nhiều nhất là ở quận 4 và huyện Hóc Môn. Riêng ở cấp phường, xã có trường hợp người dân phải đi lại bảy lần mới hoàn thành thủ tục hành chính.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh:  PHƯƠNG THÙY 

Khảo sát làm sao cho phản ánh thật đúng thực chất

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, cho rằng những việc người dân chưa hài lòng là do thủ tục rắc rối và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức có lúc chưa tốt. Theo ông Quang, ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Từ đó, ông đề nghị cán bộ cần suy nghĩ về trách nhiệm của mình để phục vụ người dân tốt hơn.

Nói về tỉ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, ông Trần Lưu Quang cho biết ông đọc một số báo cáo của các sở, ngành, quận, huyện thấy tỉ lệ hài lòng cao dữ lắm.

28.274 cuộc gọi và 2.260 cuộc gặp trực tiếp người dân đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM thực hiện khi khảo sát ở 16 sở, ngành; 24 quận, huyện và UBND 105 phường, xã, thị trấn. 

“Vậy có tin được không? Nếu người dân hài lòng trên 95% như nhiều báo cáo thì chắc lãnh đạo sướng dữ lắm, tối ngày chỉ lo đi ăn đám giỗ thôi vì hai lý do không còn việc gì làm và dân đã quá hài lòng” - ông Quang nói.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy cũng cho rằng ông không có số liệu cụ thể để khẳng định con số hài lòng nói trên là chính xác hay không, nhưng đề nghị các đơn vị cần chú ý cách khảo sát làm sao cho phản ánh thật đúng thực chất hơn.

“Khi các đồng chí xuống lấy ý kiến có phải đã có danh sách người dân được chọn sẵn. Áng chừng những người này sẽ ghi tốt cho mình, còn cái bà đi khiếu kiện 16 năm rồi thì đừng rớ vào, thế nào bà cũng chửi cho” - ông Quang đặt câu hỏi liệu có phải lấy ý kiến dân theo cách như thế và đề nghị trong năm 2020 người dân phải thực sự hài lòng hơn với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

Về chủ đề năm 2020 là năm văn hóa, văn minh đô thị, ông Trần Lưu Quang hoàn toàn đồng ý chọn các cuộc khảo sát chú trọng vào đánh giá văn hóa công sở. Vì suy cho cùng là làm sao cho có văn hóa, văn hóa là bao gồm cả sự hài lòng của người dân.

Nên có thêm kênh khác để tham khảo ý kiến người dân

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang cũng đề nghị nên nghĩ thêm một cách khác để tham khảo ý kiến người dân. “Như trong app (ứng dụng) Bình Thạnh trực tuyến có thống kê có bao nhiêu ý kiến phản hồi của người dân và chúng ta đã xử lý đến đâu và người dân phản hồi lại việc xử lý của chúng ta có hài lòng không. Có sẵn trên app, không cần đi đâu khảo sát, lấy điện thoại gõ cái là ra liền. Quận 1, 3 và huyện Hóc Môn hầu như đều có app này nhưng tại sao chúng ta không có một dòng trong báo cáo tổng hợp ý kiến phản hồi của người dân?” - ông Quang nói và cho rằng nếu lấy ý kiến phản hồi của người dân từ app trực tuyến sẽ thiết thực hơn, có giá trị, sức thuyết phục cao hơn và “không cãi được”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm