Năm 2022: Đà Nẵng đặt mục tiêu thu hút 150 triệu USD vốn đầu tư vào Khu CNC

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng, cho biết như trên về một số định hướng, mục tiêu của thành phố trong năm 2022.

Hơn 700 lao động mắc COVID-19

Năm 2021 là năm đầy khó khăn đối với các doanh nghiệp Đà Nẵng. Đến hết năm, có 732 người lao động trong Khu CNC và các KCN dương tính với SARS-CoV-2.

Các ca nhiễm chủ yếu phát sinh cục bộ tại doanh nghiệp và được giải quyết kịp thời, không xảy ra trường hợp lây lan trong cộng đồng doanh nghiệp. 

Hiện 100% doanh nghiệp đã triển khai tổ giám sát COVID-19 cộng đồng và thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và những người liên quan. 

Tính đến ngày 10-12-2021, tỉ lệ lao động đã tiêm một mũi vaccine đạt 98,8%; đã tiêm hai mũi đạt 95,4%. Hầu hết đối tượng chưa tiêm là trường hợp có tiền sử dị ứng với các kháng nguyên.  

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp Đà Nẵng vẫn cố gắng duy trì sản xuất. Ảnh: TA

Để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh, ban quản lý trong năm đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn rà soát, hỗ trợ và giải quyết những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp FDI về thủ tục tiếp nhận chuyên gia từ nước ngoài vào, chế độ xét nghiệm định kỳ trong việc cấp giấy đi đường.

Khuyến khích doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” và người lao động thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”, tiêm vaccine cho đội ngũ chuyên gia và người lao động đang làm việc tại Khu CNC và các KCN; giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư (giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư, chậm nộp tiền ký quỹ) nhằm tạo điều kiện cho đơn vị yên tâm sản xuất.

“Ban quản lý cũng tham mưu UBND TP đề xuất HĐND TP thực hiện chính sách giảm 50% tiền sử dụng hạ tầng phải nộp năm 2021 của các doanh nghiệp trong Khu CNC, các KCN và Khu công nghệ thông tin tập trung”- ông Sơn thông tin.

Chú trọng hút các tập đoàn lớn

Nói về mục tiêu trong năm 2022, ông Sơn cho hay thành phố sẽ đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các thị trường và đối tác tiềm năng.

TP coi trọng các thị trường, đối tác hiện tại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, chú trọng vận động và thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn (thuộc Forbes 500) và doanh nghiệp tại các nước phát triển (khối G7, OECD).

Cạnh đó, tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính, công nghệ từ người Việt Nam ở nước ngoài trong các lĩnh vực R&D, công nghệ thông tin, công nghệ cao.

Đà Nẵng đặt mục tiêu thu hút 150 triệu USD vốn đầu tư vào Khu CNC năm 2022. Ảnh: TV

TP cũng tập trung thu hút đầu tư và ưu tiên lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Đồng thời chú trọng thu hút đầu tư các dự án lớn sản xuất hàng xuất khẩu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; không chấp thuận, tiếp nhận các dự án có sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, sử dụng lãng phí tài nguyên, thâm dụng lao động, đặc biệt các dự án ảnh hưởng đến quốc phòng – an ninh.

Theo ông Sơn, một trong những mục tiêu trong năm tới là thực hiện tốt chủ đề “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.

Ban quản lý sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, quyết tâm không để phát sinh điểm nóng phức tạp.

Cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nhập cảnh chuyên gia nước ngoài đến làm việc; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn Khu CNC và các KCN.

Tạo lập môi trường kinh doanh, đầu tư minh bạch, thông thoáng thông qua cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số cũng như hoàn thiện, nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Theo ông Lê Minh Dương (Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam – Văn phòng tại Đà Nẵng), trong năm 2021, khu vực miền Trung đã thu hút được 71 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,15 tỉ USD.

Số lượng dự án chỉ gần bằng 60% nhưng tổng vốn đầu tư tăng gấp 3 lần so với năm 2020.

Đây là tín hiệu tốt cho thấy các dự án đầu tư vào miền Trung ngày càng tăng về chất, quy mô các dự án ngày càng nâng cao và mở rộng, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư vào khu vực này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm