Năm học mới với đầy thử thách: Kết nối và chia sẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dịch bệnh phức tạp nên hầu hết tỉnh, thành trong cả nước đều tổ chức khai giảng trực tuyến trong ngày 5-9.

Hôm nay, học sinh (HS) bậc trung học tại rất nhiều tỉnh, thành sẽ chính thức bước vào năm học mới: Trên môi trường Internet. Trong hoàn cảnh hiện nay, để bắt đầu năm học là một điều khó khăn. Vì thế ngành GD&ĐT đòi hỏi sự nỗ lực hết mình từ nhà trường, giáo viên (GV), phụ huynh (PH), HS.

Phải thích nghi với hoàn cảnh

Bước vào năm học mới, Đinh Thị Ánh Linh, HS lớp 12 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, bày tỏ lo lắng vì đây là năm học cuối cấp.

Ánh Linh cho rằng học trực tuyến có nhiều hạn chế như mạng yếu, hư camera, hư micro (không thể sửa trong mùa dịch); việc tương tác giữa thầy và trò cũng gặp khó khăn. “Tuy nhiên, do có nhiều phần mềm hỗ trợ hiện đại như trung tâm học liệu của trường, website của Sở GD&ĐT, Google Meet, Zalo... nên em vẫn trao đổi bài vở với GV được. Điều gây khó khăn nhất cho em và các bạn bị cận là nhìn màn hình máy tính quá lâu. Em phải dùng thuốc nhỏ mắt thường xuyên để đảm bảo cho việc học. Với những bạn không có máy vi tính, việc học online và giải đề bằng điện thoại càng khó khăn. Tuy vậy, trong hoàn cảnh khó khăn này, việc học trực tuyến để đảm bảo an toàn cho mọi người là lựa chọn an toàn nhất” - Ánh Linh nói.

Trong khi đó, Hồ Ngọc Duy, HS lớp 10 Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng học trực tuyến tuy còn nhiều bất cập chưa giải quyết nhưng nó là giải pháp phù hợp nhất trong hoàn cảnh hiện nay. “Bước vào năm học mới, em mong dịch bệnh mau qua để mọi thứ trở lại bình thường, HS chúng em có thể đi học lại, gặp bạn bè, thầy cô” - Ngọc Duy nói.

Học sinh Trường THCS Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội dự khai giảng năm học mới. Ảnh:THANG DO

Không chỉ HS, PH cũng có nhiều tâm tư trước một năm học thật đặc biệt.

Chị Phan Thị Cẩm Tú có con học tại Trường THCS An Phú Đông, TP Thủ Đức chia sẻ chung cư nơi chị ở đã hai lần bị phong tỏa vì có một ca F0.

“Khi TP quyết định học trực tuyến, có các đường link tiếp cận sách điện tử, miễn học phí, tôi thấy đó là nỗ lực rất lớn của TP, chia sẻ khó khăn với PH. Tôi chỉ mong các PH cùng thấu hiểu và chia sẻ với thầy cô nhiều hơn vì thầy cô sẽ chịu nhiều áp lực để dạy học và kiểm soát HS từ xa. Ngoài ra, chương trình lớp 9 khá nặng, còn chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp nên tôi mong ngành giáo dục có thể giảm tải những kiến thức không cần thiết. Bên cạnh đó, tôi cũng mong TP sớm có phương án cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, đừng để bị động như năm học vừa qua, gây nhiều bất bình trong PH” - chị Tú nói.

Chị Kiều Chinh (ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) có hai con học lớp 6 và lớp 12 bày tỏ: “Tôi mong các con cố gắng vượt qua khó khăn, nỗ lực học tốt. Con trai sẽ đậu và học đúng chuyên ngành du lịch yêu thích. Con gái làm quen và thích ứng nhanh với chương trình học mới”.

Chị Vũ Châu (TP Cần Thơ) cũng chia sẻ: “Tôi kỳ vọng ngành giáo dục sẽ linh động tìm các biện pháp giảng dạy phù hợp theo điều kiện của từng địa phương, đồng thời kịp thời có giải pháp thực tế động viên GV và HS tích cực giảng dạy, học tập. Hy vọng Bộ GD&ĐT sớm thay đổi phương pháp thi tốt nghiệp thành xét tốt nghiệp, giao cho các trường đại học tự tuyển sinh. Và mong muốn TP Cần Thơ nói riêng, cả nước nói chung sớm triển khai tiêm vaccine cho các HS cuối cấp, nhất là HS khối 12 năm nay để các em có thể đến trường và dự thi đại học vào cuối năm” - chị Châu nói.

Thầy trò nỗ lực gấp đôi

Với ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, đây là một năm học thật đặc biệt, khi mọi thứ đều rất khác so với bình thường. Tuy nhiên, do đã nắm bắt được tình hình và có sự chuẩn bị trước nên việc học trực tuyến tại trường không bị động.

Tại Trường THPT Nguyễn Du có chín GV cùng gia đình mắc COVID-19. Có GV đều đã mất đi cha mẹ vì dịch bệnh. Trường cũng có nhiều HS là F0, các em đều được điều trị tại nhà và cho biết có thể tham gia học. Nhà trường đều tìm mọi cách để hỗ trợ GV, HS vượt qua dịch bệnh.

“Bắt đầu năm học mới trong điều kiện dịch bệnh, tôi chỉ mong GV và HS đều nỗ lực hết mình. Mong lãnh đạo ngành giáo dục sẽ chia sẻ với nhà trường, thầy cô, không đặt nặng áp lực về chương trình. Hơn nữa, quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ đối với các thầy cô trong điều kiện hiện nay” - ông Phú nói thêm.

Trong tình hình hiện nay, việc học trên môi trường Internet sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với HS lớp 6 khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

GV một trường THCS tại quận 7 chia sẻ chương trình mới với mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất người học thông qua việc các em tham gia các hoạt động trải nghiệm, hoạt động nhóm. Tuy nhiên, khi tổ chức dạy học trực tuyến thì các mục tiêu này khó khăn khi triển khai. Sự tương tác của thầy và trò, trò với trò cũng có phần hạn chế nhất định. Nhưng không phải khó mà chúng ta không làm. Các nội dung thực hành thí nghiệm sẽ được mô phỏng hóa dưới dạng thí nghiệm ảo. Thầy cô có thể tham khảo cách làm video trên các trang nước ngoài YouTube hướng dẫn sử dụng phần mềm như Bitable, Bineme... đa phần miễn phí và rất dễ làm. Các hoạt động học tập thầy cô thiết kế dưới dạng game trò chơi học tập để các em suy nghĩ, tìm tòi và khám phá.

Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm đánh trống khai trường bắt đầu năm học mới.
Ảnh: NTCC

9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 nhóm giải pháp căn bản

Chín nhóm nhiệm vụ chủ yếu: 1. Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước; 2. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; 3. Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học, công tác giáo dục thể chất cho HS, sinh viên; 4. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; 5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong GD&ĐT; 6. Đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục; 7. Hội nhập quốc tế trong GD&ĐT; 8. Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động GD&ĐT; 9. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Năm nhóm giải pháp cơ bản: 1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GD&ĐT; 2. Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý; 3. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục; 4. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; 5. Tăng cường công tác khảo thí, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục.

Học sinh Đà Nẵng lần thứ 2 khai giảng trực tuyến

Sáng 5-9, hơn 280.000 học sinh tại TP Đà Nẵng đã bước vào năm học mới sau lễ khai giảng trực tuyến. Đây là năm thứ hai TP Đà Nẵng phải tổ chức khai giảng bằng hình thức này do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Với cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), lễ khai giảng năm nay hết sức đặc biệt. TP đang thực hiện giãn cách xã hội, người dân hạn chế đi lại nên tất cả giáo viên không được đến trường. Mọi người cùng nhau mặc áo dài và tham dự lễ khai giảng online tại nhà. Riêng cô Trâm, do nhà ở gần trường và đã tiêm vaccine nên được lực lượng công an phường chở đến trường. Buổi lễ chỉ có cô, bác bảo vệ và chị cấp dưỡng. Đoạn clip cô Trâm gửi lời chào tới phụ huynh và các em nhỏ rồi đánh trống khai trường với đôi mắt đỏ hoe khiến nhiều người xúc động.

Là người gắn bó với các học sinh, cô Trần Thị Kim Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương, nói: “Nhìn các con quần áo chỉnh tề ngồi trước màn hình dự lễ khai giảng, mình cảm nhận được sự háo hức, mong ngóng được đến trường của các con nhiều biết bao nhiêu. Chúc các con sẽ luôn tràn ngập niềm vui, tiếng cười trong thời gian học tập tại nhà. Đây cũng là nền tảng vững chắc để khi quay trở lại trường học thì các con có thể bắt nhịp được ngay”. TÂM AN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm