“Tết này về hay ở? Tôi chưa hỏi mình câu này bao giờ. Tôi là đứa không cần Tết cũng thích được về nhà, bởi thế nên tôi luôn trong trạng thái háo hức đợi Tết để được về nhà chơi dài ngày hơn” - Diễm Quỳnh (24 tuổi, nhân viên truyền thông tại một công ty ở TP) bày tỏ.
Tết, về quê hay ở lại?
Nhưng năm nay có một sự thay đổi lớn, Quỳnh kể, thay vì mình là đứa con được bố mẹ mong về mỗi dịp Tết đến xuân về, tôi lại là người mong ngóng ba mẹ mình sẽ về quê nhà đón Tết. Cũng bởi đây là năm đầu tiên ba mẹ Quỳnh sang Mỹ sinh sống.
Đây có lẽ là điều đặc biệt nhất trong Tết này với Quỳnh, về quê nhà đón Tết nhưng không được sum vầy bên ba mẹ. Cô vẫn mong đến ngày công ty cho nghỉ Tết để về quê, vẫn lên kế hoạch đón Tết dù không có ba mẹ ở nhà.
Khi được hỏi lý do tại sao Quỳnh vẫn về mà không nhân dịp này để du lịch hay chọn đón Tết ở nơi nào đó có bạn bè để đổi gió vì dù gì về nhà cũng không có ba mẹ và đón Tết cùng họ qua “màn hình điện thoại"?
“Đối với tôi quê nhà là một điều gì đó rất thiêng liêng. Chỉ cần đặt chân về lại vùng đất nơi tôi sinh ra thôi cảm giác như cá trở về đại dương, được tiếp thêm oxy để thở vậy. Tôi không biết phải diễn tả cảm xúc này như thế nào. Tôi nói cũng chẳng ai tin. Người ta nhìn vào lứa tuổi Gen Z của tôi, nhìn vào dáng vẻ “đô thị" bên ngoài của tôi thì không tin nổi tôi dù học tập và làm việc ở Sài Gòn nhưng trong lòng lúc nào cũng nghĩ về quê nhà và ước giá mà ở quê mình có một công việc đúng với sở trường mình thì hay biết mấy” - Quỳnh bùi ngùi giải bày.
“Với lại tuy không có ba mẹ, nhưng tôi còn có bà con lối xóm, với tôi, họ cũng là gia đình. Về nhà, dù trong nhà trống trải nhưng bên cạnh vẫn có tiếng nói, tình cảm, tiếng cười đùa của các bác, các cô các chú, những người mang lại cho tôi cảm giác thân thương. Dù mình và họ có cách biệt tuổi tác như thế nào, đôi khi “lời ra tiếng vào" về công việc và tình cảm riêng tư của tôi nhưng tôi vẫn chọn bỏ ngoài tai những lời khó nghe để chọn nghe những tiếng bình yên của quê nhà và tấm lòng chân chất của họ.
Tôi nghĩ, bà con lối xóm họ quan tâm mình, hướng về mình, thương mình thì mới đặt mình ở trung tâm câu chuyện để mà hàn thuyên về mình. Tại mình và họ có khoảng cách thế hệ và đôi khi chưa có đi sâu và câu chuyện của nhau nên kết luận hơi vội vàng thôi, chứ xét về những mặt còn lại, bà con lối xóm vẫn yêu thương mình” - Quỳnh tâm sự.
Tết này vẫn về quê
Năm này là năm con Rồng, năm tuổi của Quỳnh và cũng là năm mà Quỳnh trải nghiệm cảm giác mong ngóng ba mẹ về quê.
“Tôi cứ ước có phép mầu nào đó đột nhiên mang ba mẹ tôi xuất hiện trước ngưỡng cửa nhà vào đúng khoảnh khắc giao thừa. Đó là điều ước. Còn thực tế, tôi vẫn nén lại cảm giác nhớ thương ba mẹ để mỗi khi gọi điện, ghi hình lại hoạt động ở nhà và gửi qua cho ba mẹ, họ sẽ không quá buồn khi không ở bên cạnh con cái. Vì mới qua bên đó, công việc, cuộc sống và tinh thần ba mẹ chỉ mới chớm ổn định, kinh tế vẫn chưa cho phép để có thể bay về quê rồi bay qua lại bên đó chỉ vì tôi quá nhớ nhung họ.” - Quỳnh ước.
Hiểu được nỗi lòng của con gái, thông qua cuộc gọi nơi phương xa, ba mẹ Quỳnh cũng nghẹn ngào vào những ngày cận Tết này. Ngoài thương nhớ con cháu, họ cũng thương nhớ quê hương và bà con lối xóm. Ngoài là ba là mẹ, họ cũng là con là cháu của thế hệ lớn hơn. Đặc biệt, ba mẹ Quỳnh cứ day dứt vì không thể chu toàn cho bà nội của Quỳnh, người chỉ nằm một chỗ và không thể sinh hoạt nếu không có sự giúp đỡ của người khác.
“Thật sự cứ mỗi lần gọi về nhà là mỗi lần cứ nấc nghẹn trong lòng" - cô Diễm Kiều, mẹ Quỳnh nói.
“Đó cũng là lý do lớn nhất mà tôi nôn nao về Tết, để được thay ba mẹ chăm sóc bà, quây quần bên bà được ngày nào hay ngày ấy. Tôi nói với ba mẹ Tết này vẫn về quê nhà đón Tết”, Quỳnh nói rồi vội vàng chào tạm biệt để lên xe về quê nhà đón Tết.