Đó là thông tin được PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đưa ra tại buổi công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2018, diễn ra sáng 8-5.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, NSLĐ theo ngành của Việt Nam cũng thấp nhất trong các quốc gia so sánh, xếp sau cả Campuchia ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, vận tải, kho bãi, truyền thông.
NSLĐ của Việt Nam xếp thứ 2 chỉ cao hơn Campuchia các nhóm ngành nông nghiệp, điện, nước, khí đốt, buôn bán, bán lẻ, sửa chữa.
Ngược lại, Việt Nam có NSLĐ cao hơn nhiều quốc gia trong các nhóm ngành, khai mỏ và khai khoáng, tài chính, bất động sản và dịch vụ văn phòng, dịch vụ cộng đồng, xã hội, cá nhân.
Báo cáo nghiên cứu cho thấy năng suất lao động của Việt Nam rất đáng báo động. Ảnh: VIẾT LONG
Nguyên nhân chính dẫn đến NSLĐ Việt Nam thấp, theo PGS-TS Nguyễn Đức Thành, là chi phí tối thiểu của các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu lớn. Cụ thể, đóng góp các khoản bảo hiểm ở Việt Nam cao.
“Nghiên cứu cũng cho thấy các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines… có mức đóng BHXH thấp hơn Việt Nam. Như vậy, việc đóng bảo hiểm cao có thể tạo ra khoảng trống thuế giữa người sử dụng lao động và người lao động…”, ông Thành lý giải.
Bên cạnh đó, năm 2000 lương tăng chậm hơn NSLĐ, nhưng từ năm 2009 - 2012 tăng trưởng tiền lương vượt quá mức tăng NSLĐ. Tất nhiên, khi lương tối thiểu tăng, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, sản phẩm gỗ và đồ nội thất có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc. Điều đó phù hợp với khuynh hướng cơ giới hóa ở các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành chế tác thâm dụng lao động dưới sức ép chi phí lao động tăng.
Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp thâm dụng vốn như điện tử và sản xuất máy móc lại giảm đầu tư máy móc, cho thấy khả năng có thể nhà đầu tư lo ngại giá lao động tăng trong dài hạn có thể khiến các ngành này mất sức cạnh tranh và do đó đã bắt đầu thoái lui đầu tư.
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Thành, nếu không muốn bị các quốc gia láng giềng như Campuchia vượt mặt về NSLD nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, Việt Nam cần có những hành động mạnh mẽ hơn nhằm cải thiện NSLĐ của các ngành kinh tế; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự dịch chuyển và hiệu ứng tương tác như tăng cường thu hút lao động vào ngành có NSLĐ cao và đang tăng trưởng. Bên cạnh đó, nhóm ngành công nghiệp (chế biến chế tạo) và dịch vụ cần được chú trọng nhiều hơn nữa về cải thiện môi trường kinh doanh và thay đổi công nghệ, nhằm tạo động lực bền vững cho sự cải thiện năng suất chung.
Góp ý, PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, cho rằng để nâng cao NSLĐ cần có quy hoạch cụ thể và “giá đỡ” trong chuyển dịch lao động. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng NSLĐ.
Lương tối thiểu là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở NSLĐ. Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn. Vì thế, đã đến lúc Chính phủ cần lựa chọn mục tiêu thúc đẩy năng suất như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn.