Nên cho rút BHXH 1 lần toàn bộ hay 50%?

(PLO)- Cơ quan soạn thảo và các chuyên gia cho rằng phương án chỉ cho người lao động rút 50% BHXH một lần sẽ đạt được hai mục tiêu: Vừa giải quyết nhu cầu trước mắt vừa tạo cơ hội cho họ ở lại hệ thống an sinh xã hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự kiến ngày 9-11 tới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ thừa ủy quyền Thủ tướng trình bày tờ trình về dự án Luật BHXH (sửa đổi) trước Quốc hội. Sau đó, đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại tổ đối với các nội dung của dự luật này.

Vẫn cân nhắc giữa hai phương án

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Luật BHXH (sửa đổi) lần này có nhiều nội dung quan trọng, trong đó chính sách BHXH một lần được đánh giá là một trong những thay đổi cơ bản. Vì vậy, cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án và chỉ phân tích ưu, nhược điểm chứ không đề xuất chọn phương án nào, đồng thời “nhờ” Quốc hội quyết.

P13_1-11_BHXH mot lan.jpg
Các phương án rút BHXH một lần còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Ảnh minh họa: HUỲNH DU

Cụ thể, phương án 1 chia làm hai nhóm. Nhóm 1, người lao động (NLĐ) đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu được nhận BHXH một lần.

Nhóm 2, NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ khi dự luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1-7-2025) không được nhận BHXH một lần. Trừ trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, ra nước ngoài định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định.

979.928 là số người rời hệ thống an sinh xã hội trong năm 2022, tăng 33.735 người (tỉ lệ 3,5%) so với năm 2021.

Phương án 2, cho NLĐ rút BHXH một lần nhưng tối đa 50% tổng thời gian đóng vào hai quỹ Hưu trí, Tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Theo ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan soạn thảo đã phân tích số lao động rời hệ thống BHXH giai đoạn 2016-2022 cho thấy gần 80% ở độ tuổi 20-40 có nhu cầu cấp bách về tài chính. Do đó, phương án chỉ cho rút 50% BHXH một lần sẽ giải quyết cùng lúc hai bài toán đó là đảm bảo quyền lợi của NLĐ, đồng thời bảo lưu được hưu trí về sau.

“Cho NLĐ rút BHXH một lần ở mức 50% là phù hợp nhất, vì nếu cao hơn thì sau này về hưu lương rất thấp. Còn rút thấp hơn thì số tiền không đủ để giải quyết nhu cầu cấp bách trước mắt, sẽ gây ra phản ứng…” - ông Cường cho hay.

Về 50% bảo lưu trong hệ thống, ông Cường cho biết khi NLĐ tiếp tục đóng BHXH sẽ được cộng nối để hưởng đầy đủ chế độ với quyền lợi cao hơn. Trường hợp đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH, NLĐ có thể tiếp tục rút BHXH một lần hoặc tự nguyện đóng một lần cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu; hoặc nhận trợ cấp hằng tháng.

Không cấm nhưng phải quy định chặt

Liên quan đến BHXH một lần, trong văn bản vừa gửi đến Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã tổ chức phiên họp lần thứ bảy cho ý kiến về dự luật.

Từ các ý kiến của chuyên gia, thành viên hội đồng khoa học cho thấy phương án 1 có thể làm tăng tình trạng rút BHXH một lần trước thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực, ảnh hưởng đến an sinh xã hội về lâu dài. Trong điều kiện hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng linh hoạt nhất là không nên cấm NLĐ rút BHXH một lần nhưng phải siết các quy định hết sức chặt chẽ.

Do vậy, Viện Nghiên cứu lập pháp đề nghị có thể xem xét thiết kế thành các phương thức để NLĐ lựa chọn. Thứ nhất, nếu NLĐ bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sẽ được hưởng các quyền lợi tăng thêm như: giảm thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu từ 20 năm còn 15 năm; trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ về tín dụng trong thời gian chưa có việc làm; có BHYT do ngân sách nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng…

Thứ hai, nếu NLĐ rút BHXH một lần, ngoài không được hưởng các quyền lợi tăng thêm còn phải đáp ứng những điều kiện hết sức khắt khe như phương án 2 của dự thảo. “Phương thức này giúp gỡ một phần khó khăn của NLĐ khi mất việc, còn tạo cơ hội cho họ tái tham gia BHXH khi có điều kiện…” - Viện Nghiên cứu lập pháp giải thích thêm.

Tuy nhiên, cũng có đề xuất không cho phép NLĐ rút BHXH một lần, do theo thông lệ quốc tế, hầu như các nước không cho phép điều này. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu trường hợp NLĐ mất việc làm và không rút BHXH một lần nhưng họ chết trước thời điểm hưởng lương hưu thì có chế độ gì? Làm thế nào để khuyến khích NLĐ không rút BHXH một lần? “Theo hướng đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hợp lý…” - Viện Nghiên cứu lập pháp nêu quan điểm.•

Số người rút BHXH một lần ngày càng tăng

Trong đánh giá mới đây nhất của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, việc rút BHXH một lần là nhu cầu thực tế của NLĐ. Dù tỉ lệ người rút BHXH một lần so với tổng số người tham gia BHXH những năm qua luôn ở mức bình quân khoảng hơn 5% nhưng số tuyệt đối ngày càng có xu hướng gia tăng. Đây là vấn đề được Quốc hội và dư luận hết sức quan tâm và cần có giải pháp để hạn chế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm