Nên giảm bội chi dưới 4,5% GDP

Chúng ta nên giảm chi tiêu ngân sách xuống dưới 4,5% chứ không chỉ 5%. Ta có cơ sở để làm được điều này. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã cắt giảm 10% chi tiêu thường xuyên và Nghị quyết 11 đề ra cắt giảm thêm 10% nữa, như vậy nghĩa là sẽ cắt giảm 20%. Tất nhiên chúng ta đã có cam kết rõ ràng là việc tăng lương vẫn thực hiện trong tháng 5.

Quyết định giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% so với mục tiêu Quốc hội đặt ra 5,3% nằm trong tổng thể các chính sách giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thông điệp về ngân sách cùng với thông điệp về các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tiền tệ là một thông điệp khá mạnh mẽ về ổn định kinh tế vĩ mô. Khi chúng ta thắt chặt sẽ gây ra một số trở ngại, khó khăn cho sản xuất, chúng ta phải chấp nhận một mức độ tăng trưởng thấp hơn đề ra. Ngoài ra, việc đầu tư từ ngân sách cũng được rà soát lại theo ba tiêu chí: Những dự án nào có hiệu quả phát huy ngay thì vẫn có thể tiếp tục, dự án có mức độ quan trọng nhất định nhưng khâu chuẩn bị triển khai có thể thay đổi thời hạn, giãn tiến độ…

Tôi cũng nói thêm, mục tiêu thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư công Chính phủ đưa ra không chỉ là ngắn hạn cho năm nay mà từ nay trở đi nền kinh tế Việt Nam sẽ sống chung với một đồng tiền chặt chẽ, thể hiện qua mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Theo tôi, trong tăng trưởng tín dụng trung hạn Việt Nam sẽ phải giảm xuống 15%-16%, ngân sách thâm hụt phải giảm xuống còn 3%-3,5% GDP. Việc thắt chặt này sẽ là tiền đề để Việt Nam chuyển đổi cách thức tăng trưởng, không thực hiện theo cách ném tiền vào tăng trưởng mà chủ yếu tạo ra cách quản lý, xem xét hiệu quả đầu tư công mới, qua đó tạo nên chất lượng trong tăng trưởng.

Ta hy sinh ít nhiều tăng trưởng trong ngắn hạn như vậy là cần thiết. Trong Nghị quyết 11, Chính phủ cũng đặt vấn đề là hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là khu vực sản xuất nông thôn là khu vực mà Việt Nam có rất nhiều lợi thế để mà tăng trưởng và thúc đẩy xuất khẩu.

Đối với hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, thực ra Việt Nam trong điều kiện bình thường cũng đã có rất nhiều chính sách và biện pháp. Nhưng lần này có hai điều đặc biệt, đó là hỗ trợ đối với thu nhập thấp có chuẩn mới với diện hỗ trợ lớn hơn và hỗ trợ trực tiếp không thông qua trung gian, như hỗ trợ cho hộ thu nhập thấp về sử dụng điện chẳng hạn.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

TRÀ PHƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm