Nếu bị tấn công tên lửa, Nga sẽ đáp trả bằng một cuộc tấn công hạt nhân, Moscow vừa cảnh báo.
Lời cảnh báo này được Thiếu tướng Andrey Sterlin – người đứng đầu Tổng cục tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu Nga và ông Alexander Khryapin – nhà nghiên cứu hàng đầu của Học viện quân sự thuộc Bộ Tổng tham mưu Nga đưa ra trong bài viết đăng trên báo Red Star (Nga) hôm 7-8.
Bất kỳ cuộc tấn công tên lửa nào cũng là tấn công hạt nhân
Trong bài báo, ông Sterlin và ông Khryapin nói rằng khi tên lửa được phóng sang Nga thì không có cách nào xác định được tên lửa đang lao tới được gắn đầu đạn hạt nhân hay đầu đạn thông thường, vì thế quân đội sẽ xem đây là một cuộc tấn công hạt nhân.
Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hạt nhân của Nga. Ảnh: TASS
Các quan chức quân sự cấp cao của Nga cho hay dữ liệu về cuộc tấn công sẽ tự động được chuyển tới Điện Kremlin, và Nga sẽ phụ thuộc vào tình hình lúc đó ra sao mà xác định quy mô đáp trả của các lực lượng hạt nhân.
“Về cơ bản Nga đã vạch ra lằn ranh đỏ, nếu bất kỳ ai quyết định tấn công Nga thì câu trả lời chắc chắn sẽ là bị nghiền nát” – bài báo viết.
Theo báo The New York Times, lời cảnh báo cứng rắn trên của các quan chức quân đội Nga là nhắm vào Mỹ - nước đã và đang nỗ lực phát triển vũ khí phi hạt nhân tầm xa.
Cũng theo The New York Times, những tuyên bố trên của các quan chức quân sự Nga phản ánh các mối lo ngại lâu nay của Moscow về việc phát triển vũ khí có thể mang lại cho Washington khả năng phong tỏa các khí tài quân sự quan trọng cũng như cơ sở chính phủ mà không cần dùng tới vũ khí nguyên tử.
Tháng 11-2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo thế giới về một “thảm họa toàn cầu” nếu Nga bị tấn công hạt nhân.
“Là một công dân Nga và người đứng đầu nhà nước Nga, tôi muốn tự hỏi chính mình rằng: “Tại sao chúng ta muốn một thế giới như vậy nếu không có Nga ở đó” – ông Putin nhấn mạnh.
Vạch ra lằn ranh đỏ
Tháng 6, Nga công bố chính sách răn đe hạt nhân, trong đó vạch ra việc sử dụng vũ khí nguyên tử để đáp trả những gì có thể là một cuộc tấn công thông thường nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự và chính phủ quan trọng của Nga.
Phù hợp với học thuyết quân sự của Nga, chính sách răn đe hạt nhân mới tái khẳng định nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân hay bất cứ sự gây hấn nào có liên quan tới vũ khí thông thường nếu đe dọa sự tồn vong của quốc gia.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga được triển khai gần vùng Kaliningrad. Ảnh: REUTERS
Tài liệu chính sách mô tả chi tiết các tình huống có thể kích hoạt việc sử dụng vũ khí hạt nhân khi các quốc gia khác sử dụng vũ khí hạt nhân hay những vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga hoặc đồng minh của Nga.
Ngoài ra, tài liệu lần đầu tiên nêu rõ Nga có thể sử dụng kho vũ khí hạt nhân nếu nước này nhận được thông tin đáng tin cậy về một vụ phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào lãnh thổ mình hoặc đồng minh của Nga.
Quan hệ Mỹ-Nga xấu đi nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng Ukraine, việc Mỹ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2016 cùng những bất đồng khác.
Các quan chức Nga coi chương trình phòng thủ tên lửa do Mỹ dẫn đầu và việc Mỹ lên kế hoạch đưa vũ khí lên quỹ đạo là mối đe dọa hàng đầu. Phía Nga lập luận rằng khả năng mới này có thể khiến Mỹ tấn công Nga với hy vọng chống lại một cuộc tấn công trả đũa.
Bài báo của Red Star nhấn mạnh rằng việc Nga công bố chính sách răn đe hạt nhân mới nhằm giải thích rõ ràng những gì Nga xem là sự gây hấn.
“Nga đã vạch rõ lằn ranh đỏ mà chúng tôi khuyên không nên có bất kỳ ai vượt qua. Nếu kẻ thù dám làm như vậy, câu trả lời nhất định sẽ rất tàn khốc. Các chi tiết về hành động đáp trả chẳng hạn như ở đâu, khi nào và quy mô như thế nào sẽ do giới lãnh đạo quân sự-chính trị Nga quyết định phụ thuộc vào tình hình” – bài báo viết.