Hôm 16-10, truyền thông Nga đồng loạt đăng tải hình ảnh quân đội Nga và Syria đã tiến vào tiếp quản các vị trí ở thành phố chiến lược Manbij và khu vực xung quanh sau khi Mỹ rút quân. Hãng tin RT cũng cho thấy nhiều đoàn xe của quân đội Nga và Syria băng ngang đường nối liền Manbij và TP Kobani ở biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Điện Kremlin cùng ngày thông báo Tổng thống Vladimir Putin đã mời người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan sang thăm và làm việc vài ngày tới ở Nga. Ông Erdogan được cho là đã chấp nhận lời đề nghị này.
Hai lãnh đạo Nga-Thổ cùng nhấn mạnh "sự cần thiết phải ngăn các cuộc đối đầu giữa lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ với các lực lượng vũ trang Syria". Ông Putin và ông Erdogan cũng tái xác nhận sự ủng hộ đối với tình toàn vẹn lãnh thổ Syria và duy trì tiến trình dàn xếp chính trị nhằm chấm dứt chiến tranh.
Rút quân khỏi Syria: Liệu Mỹ có đi sai nước cờ?
Theo tờ Independent, các chuyên gia đánh giá khi Mỹ tiến hành rút quân khỏi Syria, Nga sẽ nhanh chóng giành lấy cơ hội để mở rộng vùng kiểm soát cho quân đội chính phủ Syria và khẳng định vị thế của một cường quốc trung gian mới nổi ở Trung Đông.
Tuy vậy, một số nhà nghiên cứu lại cho rằng Mỹ cũng không còn lý do, cả về chính trị lẫn chiến lược, để tiếp tục nhúng tay vào cuộc xung đột nay đã bước sang năm thứ 8 này và việc rút quân chỉ là chuyện “một sớm một chiều”.
“Sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông và đặc biệt là ở Syria thật sự không đáng kể đi cùng với các chính sách ngoại giao khó hiểu”, GS Khoa học Chính trị Robert Rabil thuộc ĐH Florida Atlantic (Mỹ) nhận định.
Ông Rabil nói thêm rằng dù không thể đảo ngược những gì đang diễn ra ở Syria nhưng Mỹ vẫn có thể đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về một thỏa thuận khả quan hơn cho số phận các lực lượng người Kurd cùng dòng người tị nạn ở Syria.
Mặc dù hiện giờ vẫn chưa rõ liệu Mỹ có kế hoạch rút toàn bộ quân khỏi Syria hay không hay chỉ để Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập một "khu vực an toàn" gần biên giới nhưng chiến dịch của Ankara đã làm thay đổi cục diện cuộc xung đột Syria dẫn đến những sự sắp xếp mới khi có những “người đến, kẻ đi” khỏi quốc gia Trung Đông này. Các nước như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Kuwait, Ai Cập và Israel đều lên tiếng phản đối chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đoàn xe quân sự của Nga tiến vào TP Manbij hôm 16-10. Ảnh: REUTERS
Cơ hội và thách thức của Nga ở Syria
Trong khi đó, Moscow khẳng định nước này hoàn toàn hiểu các mối quan tâm về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ ở Bắc Syria và đã cùng Mỹ phủ quyết dự thảo yêu cầu Ankara dừng chiến dịch quân sự vào Syria của các nước châu Âu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Điều này thể hiện một sự thay đổi quan trọng trong chính sách của Nga đối với động thái của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo hãng tin Reuters, các hành động khỏa lấp vai trò điều đình do Mỹ để lại của Nga cho đến hiện tại đều mang tính cân bằng. Được biết Moscow từng cam kết sử dụng quân sự giúp chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad giành lại lãnh thổ đã mất. Việc Nga tiếp tục hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran để thúc đẩy thỏa thuận đình chiến có thể làm thay đổi diện mạo Syria và thể hiện Moscow đủ sức đem lại hòa bình.
Tuy nhiên, nỗ lực ngoại giao của Nga có thể bị ảnh hưởng nếu chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài quá lâu hoặc gây ra quá nhiều thương vong. "Điều quan trọng là các bên cần kiềm chế và đánh giá thực tế nhằm tránh gây tổn hại tới những nỗ lực hướng tới thỏa thuận chính trị", Cố vấn điện Kremlin Yuri Ushakov phát biểu.
Hôm 10-10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moscow sẽ nỗ lực đóng vai trò trung gian giải quyết các căng thẳng mới nổ ra, trong đó gồm thiết lập kênh đàm phán giữa Damascus và người Kurd cũng như giữa chính phủ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
"Nga gần như là quốc gia duy nhất có thể cùng lúc đối thoại với tất cả các bên, bất kể đó là chính quyền Syria, Israel, Iran, người Kurd hay Thổ Nhĩ Kỳ", nhà nghiên cứu Mathieu Boulegue thuộc Viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia Chatham House (Anh) nhận xét.
Đài CNN khẳng định với việc Nga là cường quốc duy nhất đủ năng lực đứng ra làm trung gian hòa giải, Moscow trở thành lực lượng duy nhất sẵn sàng bảo vệ người Kurd ở Syria trước Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu việc Mỹ rút quân và bỏ mặc người Kurd được xem như “một sự phản bội” thì người Nga lại cho thấy là bên đáng tin cậy hơn.
"Đây cũng có thể trở thành thắng lợi địa chính trị quan trọng với Tổng thống Nga nếu ông ấy giải quyết được vấn đề. Nó sẽ giúp ông Putin khẳng định hiệu quả trong cách tiếp cận của Nga, đồng thời chỉ ra thất bại của Mỹ" - Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Nga) Andrey Kortunov chia sẻ.