Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc ba gói trừng phạt áp vào Thổ Nhĩ Kỳ quanh việc nước này mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa S-400 của Nga, hãng tin Bloomberg ngày 19-6 dẫn lời những người nắm rõ vấn đề cho biết.
Theo ba nguồn thạo tin giấu tên được Bloomberg dẫn lại, trong số ba gói trừng phạt trên, gói trừng phạt khắc nghiệt nhất đang được thảo luận giữa các quan chức của Hội đồng An ninh quốc gia, Bộ ngoại giao và Bộ Tài chính sẽ làm tê liệt nền kinh tế đang khốn khó của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hệ thống S-400 của Nga. Ảnh: GETTY
Ý tưởng được ủng hộ nhiều nhất hiện nay là tấn công vào một số công ty trong lĩnh vực quốc phòng chủ chốt của Thổ Nhĩ Kỳ chiếu theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Những lệnh trừng phạt như vậy sẽ cắt đứt hiệu quả những công ty này khỏi hệ thống tài chính của Mỹ, khiến họ gần như không thể mua linh kiện của Mỹ cũng như không thể bán sản phẩm của họ ở Mỹ.
Theo Bloomberg, những cuộc thảo luận về lệnh trừng phạt áp vào Thổ Nhĩ Kỳ phản ánh mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, hai đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngày một xấu đi trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thúc đẩy mua hệ thống S-400 từ Nga.
Các cuộc tranh luận ở Mỹ cho tới nay chủ yếu tập trung vào các đe dọa chấm dứt sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào dự án phát triển tiêm kích F-35. Thổ Nhĩ Kỳ hiện sản xuất một số thành phần quan trọng của F-35 và đã đặt mua 100 chiếc.
Theo các nguồn tin, Mỹ có thể áp trừng phạt vào Thổ Nhĩ Kỳ sớm nhất là vào đầu tháng 7 khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nhận các thành phần của hệ thống S-400. Tổng thống Trump không muốn đưa ra bất kì quyết định nào trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản tuần tới, nơi ông dự kiến gặp ông Erdogan.
Tổng thống Erdogan có kế hoạch thảo luận việc nước này mua hệ thống S-400 từ Nga với Tổng thống Trump tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Ông Erdogan muốn dựa vào mối quan hệ gần gũi cá nhân giữa mình với nhà lãnh đạo Mỹ để chống lại các lệnh trừng phạt cứng rắn.
Tuy vậy, Ankara vẫn chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất do sự phản đối mạnh mẽ ở Quốc hội Mỹ, nhưng vẫn tự tin đang nắm trong tay quân bài mạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Anadolu
Dù vậy, ông Trump trước đó cho thấy ông sẵn sàng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, tức giận việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối thả mục sư người Mỹ Andrew Brunson, nhà lãnh đạo Mỹ đã tăng gấp đôi thuế kim loại đối với Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 8-2018 và áp trừng phạt vào hai quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới vụ bắt giữ mục sư Brunson. Sau khi ông Brunson được thả thì thuế quan cũng được xóa bỏ.
Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ thách thức các đe dọa trừng phạt bởi vì niềm tin vào Mỹ đã bị phá vỡ, theo ba quan chức Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Trump đang đối mặt sức ép ngày càng tăng từ lưỡng đảng ở Quốc hội vốn đẩy mạnh các nỗ lực thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ S-400 và thay vào đó mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất. Giới lãnh đạo Quốc hội Mỹ lập luận rằng các lệnh trừng phạt thể theo CAATSA là bắt buộc và Thổ Nhĩ Kỳ không cách nào tránh né được nếu quyết tâm mua S-400 bằng được.
Mỹ đã làm mọi cách để cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được mua hệ thống của Nga và có thể kích hoạt lệnh trừng phạt theo CAATSA, theo một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên.
Bất chấp sức ép từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đến nay từ chối rút lại thương vụ S-400. Theo các nguồn tin và các chuyên gia bên ngoài, một phần trong tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ là Tổng thống Erdogan tin rằng ông có thể tách ông Trump khỏi phần còn lại của chính quyền Mỹ và thuyết phục chủ nhân Nhà Trắng rằng mua S-400 không phải vấn đề lớn.