Kế hoạch quét sạch “quân khủng bố” của Nguyên soái Khalifa Haftar của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã dấy lên lo ngại ở Nga vì không rõ ai được xem là mục tiêu trong chiến dịch này. Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng đã cảnh báo Libya đang trên bờ vực một cuộc nội chiến mới, theo hãng tin RT.
Người đứng đầu nhóm tiếp xúc Nga về Libya Lev Dengov cho rằng nếu tướng Haftar thực sự tìm cách giải phóng Libya khỏi những kẻ khủng bố thì ông nên phối hợp hành động với Chính phủ Hòa hợp dân tộc (GNA) ở thủ đô Tripoli, chứ không phải chống lại GNA. Ông Dengov thêm rằng ý định của ông Haftar khá mơ hồ cho đến lúc này.
Các thành viên của LNA dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Khalifa Haftar trong tư thế sẵn sàng trước khi tiến về Benghazi tiếp viện cho binh sĩ đang hành quân tới Tripoli, Libya hôm 13-4. Ảnh: RETUERS
“Ông Haftar thực hiện hành động của mình như một sứ mệnh của người đàn ông thanh trừng khủng bố khỏi Libya. Nhưng không may, ông không thể xác lập chính xác những ai ông gọi là khủng bố. Thậm chí dù có bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào bắt tay đứng đằng sau một số nhà lãnh đạo cực đoan hay băng nhóm vũ trang nào, tôi cũng không thể nhìn thấy họ”, ông Dengov trả lời hãng tin RIA Novosti.
Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thực tế cả chính phủ được quốc tế công nhận đóng ở Tripoli và phe tướng Haftar, người ủng hộ một chính phủ đối lập ở miền Đông Libya, dường như rất muốn giải quyết xung đột bằng vũ lực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 23-5 cho hay cuộc xung đột nội bộ ở Libya chỉ tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố tăng cường hoạt động ở các khu vực phía Nam Libya. Theo bà Zakharova, Moscow tích cực ủng hộ ý tưởng “lệnh ngừng bắn và một cuộc đối thoại nội bộ Libya do LHQ tài trợ nhằm tạo ra thể chế nhà nước có chủ quyền thống nhất”. Đại diện Bộ Ngoại giao Nga thêm rằng Moscow sẵn sàng giúp đỡ Libya, đặc biệt trong việc liên lạc giữa họ với các nhân tố bên ngoài.
Nga không bật đèn xanh cho bất cứ bên nào
Theo ông Lev Dengov, Nga tin rằng khủng hoảng ở Libya nên được giải quyết trong hòa bình và Nga không có ý định ủng hộ hay bật đèn xanh cho bất cứ bên nào tham gia xung đột.
Thành viên của lực lượng chính phủ Libya trong cuộc chiến chống lực lượng miền Đông ở Ain Zara, Tripoli, Libya. Ảnh: REUTERS
“Chính sách của chúng tôi không thay đổi. Tôi tin chính sách đó cũng sẽ không thay đổi. Chúng tôi ủng hộ đối thoại và thiết lập hòa bình ở Libya. Chúng tôi phản đối việc sử dụng vũ lực, bạo lực và các biện pháp quân sự để giải quyết xung đột nội bộ Libya. Chúng tôi không ủng hộ bất cứ bên nào trong xung đột Libya…” – ông Dengov nói.
Ông nhấn mạnh Nga sẵn sàng tổ chức tham vấn với bất cứ bên nào trong cuộc xung đột và chia sẻ kinh nghiệm hòa giải của mình.
Ông Dengov tin rằng nhiều bên trong xung đột Libya khó có thể đạt được sự đồng thuận trong tương lai gần. “Các bên khác nhau có quan điểm khác nhau, và chúng tôi biết có bao nhiêu bên ở đó. Ngoài ra các lực lượng nước ngoài cũng đang thiết lập sự ảnh hưởng của họ và mỗi bên lại có quan điểm và lợi ích của riêng mình. Vì vậy, sẽ rất khó để hợp nhất. Đây là nhiệm vụ phức tạp và Nga chủ yếu đang làm công việc này với tư cách người tích cực tham gia tiến trình hòa bình”, ông Dengov giải thích.
Ông Dengov bày tỏ hy vọng đại sứ quán Nga ở thủ đô Tripoli, đóng cửa năm 2013 giữa lúc căng thẳng dâng cao ở quốc gia Bắc Phi này, sẽ sớm hoạt động trở lại.
Cũng theo ông Dengov, các báo cáo truyền thông nói rằng Nga đã điều lính đánh thuê tới chiến đấu ở Libya và Thổ Nhĩ Kỳ đang cung cấp vũ khí tới Libya nhắm né lệnh cấm vận vũ khí là các câu chuyện vô căn cứ nhằm phá hoại các cuộc đàm phán về giải quyết khủng hoảng Libya. Ông nhấn mạnh tất cả các bên liên quan đều phải tuân thủ các nghị quyết của LHQ.
Libya nguy cơ chia cắt lâu dài
Bế tắc đang diễn ra ở Libya có thể sẽ lan sang một cuộc nội chiến mới toàn diện gây chia cắt lâu dài, LHQ cảnh báo trong đánh giá gần đây về những diễn biến ở Libya, theo RT.
“Trong 48 ngày tấn công vào Tripoli của lực lượng tướng Haftar, đã có rất nhiều chết chóc và phá hủy” - phái viên LHQ về Libya Ghassan Salame phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ đầu tuần này.
Một gia đình tị nạn Libya trong một công nghiệp được dùng làm nơi trú ẩn ở Tripoli. Ảnh: REUTERS
Nguyên soái Haftar đã cố gắng biện minh chiến địch đánh chiếm Tripoli của ông nhằm loại bỏ những phần từ cực đoan được cho đã “tràn vào” lực lượng chính phủ được LHQ ủng hộ.
Tuy nhiên, cuộc tấn công của ông Haftar thực tế đã giúp những phần tử khủng bố thực sự cố thủ ở phía Nam Libya, ông Salame cảnh báo.
“Khoảng trống an ninh được tạo ra bởi sự rút quân khỏi phía Nam của một số binh sĩ phe tướng Haftar, cộng thêm sự tập trung của lực lượng phương Tây vào bảo vệ thủ đô, đang bị IS và tổ chức Al-Qaeda khai thác”, ông Salame nói.
Các hành động thù địch tiếp diễn của các lực lượng chính trị đối địch nhau ở Libya có thể gây rắc rối không chỉ cho chính quốc gia này mà còn cho tất cả nước láng giềng và thậm chí có thể cho châu Âu, vị quan chức LHQ cảnh báo.
Tuy nhiên, chưa có bên tham chiến nào có ý định sẵn sàng đối thoại. Trước đó trong tuần này, một số báo cáo cho hay tướng Haftar đã bác một lệnh ngừng bắn khi ông gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Paris. Vị tướng này cho rằng lực lượng GNA “hoàn toàn bị lực lượng phiến quân tràn vào”, một quan chức Pháp tiết lộ với báo giới sau cuộc gặp.
Trong khi đó, Thủ tướng Fayez al-Serraj của phe GNA cũng phản đối ý tưởng về một lệnh ngừng bắn. Ông al-Serraj nói với Euronews hôm 22-5 rằng cuộc chiến này sẽ chỉ chấm dứt sau khi ông Haftar rút quân về miền Đông.
Theo ông Salame, chiến dịch đánh chiếm Tripoli của ông Haftar bắt đầu từ ngày 4-4 đã cướp đi sinh mạng của 460 người và khiến hơn 2.400 người bị thương. Hơn 75.000 người dân buộc rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong khi 100.000 người bị mắc kẹt ở các khu vực tiền tuyến.