Lực lượng Chính quyền Hòa hợp dân tộc (GNA) của Libya được quốc tế công nhận ngày 6-5 cho hay Thủ tướng Fayez al-Sarraj, lãnh đạo GNA, đã tới châu Âu nhằm tìm kiếm hỗ trợ chống lại cuộc tấn công thủ đô Tripoli do Nguyên soái Khalifa Haftar, chỉ huy Quân đội Quốc gia Libya (LNA), phát động, theo hãng tin AFP.
Thủ tướng Fayez al-Sarraj, lãnh đạo Chính quyền Hòa hợp dân tộc (GNA) ở Libya. Ảnh: REUTERS
Bộ Ngoại giao Libya cho biết Thủ tướng Sarraj ngày 7-5 bắt đầu một loạt cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của Ý, Đức, Pháp và khả năng cả lãnh đạo của Anh.
Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Sarraj, theo đó ông sẽ gặp Tổng thống Emmanuel Macron, xảy ra sau khi GNA liên tục cáo buộc Paris ủng hộ về mặt chính trị cho cuộc tấn công đánh chiếm Tripoli của phe LNA phát động từ ngày 4-4.
Cuộc tấn công nhằm lật đổ GNA khỏi Tripoli đã khơi mào một cuộc leo thang đẫm máu khác ở Libya vốn đã chìm trong bạo lực kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại năm 2011.
Trước chuyến công du châu Âu của ông Sarraj, tướng Haftar đã kêu gọi binh sĩ “loại bỏ kẻ thù” trong một thông điệp được phát ngôn viên LNA Ahmad al-Mesmari thông báo cuối ngày 5-5.
“Hỡi các sĩ quan và binh sĩ của lực lượng vũ trang và các chi nhánh của chúng tôi, tôi hoan nghênh các bạn trong những ngày vinh quang này và kêu gọi các bạn cho kẻ thù một bài học lớn hơn và mạnh hơn trước đó bằng sức mạnh và quyết tâm của các bạn”, thông điệp nêu.
Khói bốc lên trong trận chiến giữa lực lượng LNA và GNA ở Ain Zara trong tuần này. Ảnh: REUTERS
Các lực lượng ủng hộ GNA gần đây mở đợt phản công vào LNA, khiến tình hình ngoại ô phía nam Tripoli trở nên nguy hiểm hơn.
Ông Haftar tuyên bố rằng trong trường hợp binh sĩ phe GNA rút lui, lực lượng LNA sẽ truy đuổi đến cùng, ngăn họ trốn thoát và quét sạch họ với sự yểm trợ của lực lượng không quân LNA.
“Tôn trọng mạng sống của người dân và các lợi ích của họ. Thực thi mệnh lệnh trong lá thư này và mệnh lệnh từ cấp trên của các bạn”, thông điệp cho biết thêm.
Những tuyên bố của ông Haftar đưa ra chỉ vài giờ sau khi phái đoàn Liên Hiệp Quốc tại Libya kêu gọi đình chiến nhân đạo một tuần, bắt đầu vào 4 giờ sáng 6-5 nhân sự kiện bắt đầu tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo.
Cuộc chiến ngoại giao
Bộ Ngoại giao ở Tripoli cho biết Thủ tướng Sarraj hy vọng tranh thủ được sự ủng hộ để chống lại chiến dịch quân sự của Nguyên soái Haftar.
Ông Sarraj ngày 7-5 đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte ở Rome trước khi bay sang Berlin để gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ngày 8-5, ông Sarraj sẽ gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Paris, trong khi chuyến công du tới London đang được cân nhắc.
Anh đã thúc đẩy một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu ngừng bắn ở Libya nhưng các nỗ lực của London thất bại do sự chia rẽ trong Liên Hiệp Quốc, cụ thể là sự phản đối từ Nga và Mỹ.
Ý, từng đô hộ Libya, là nước hậu thuẫn trọng yếu của GNA và đã hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Đức Merkel về một giải pháp chính trị để giải quyết khủng hoảng.
Trong khi đó, Pháp lại ủng hộ phe tướng Haftar, làm dấy lên làn sóng giận dữ ở Tripoli với việc người dân nơi đây kéo xuống đường cáo buộc Pháp hai mặt. Pháp phủ nhận các cáo buộc.
Lực lượng LNA ngày 7-5 tuyên bố bắn rơi một chiếc tiêm kích Mirage F1 do Pháp sản xuất thuộc về lực lượng GNA, đồng thời phi công lái chiếc Mirage đã bị bắt. Ảnh: TWITTER
Tháng trước, ông Sarraj nói với nhật báo Liberation của Pháp rằng: “Chúng tôi ngạc nhiên việc Pháp không ủng hộ chính phủ của chúng tôi mà lại ủng hộ một nhà độc tài”.
Phe tướng Haftar nhận được sự hậu thuẫn của Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) trong khi vị thế của GNA với các cường quốc trên thế giới ngày càng lung lay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc điện đàm với Nguyên soái Khalifa Haftar hồi tháng trước đã công nhận vai trò đáng kể của ông Haftar trong trận chiến chống chủ nghĩa khủng bố và đảm bảo các nguồn dầu mỏ của Libya.
Về phía Nga, Moscow tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc chiến ở Libya, song các chuyên gia cho rằng Moscow ủng hộ mạnh mẽ ông Haftar.
Còn tại Libya, một nhóm gồm 42 nhà lập pháp bất đồng chính kiến đã chọn một chủ tịch hạ viện “tạm thời”để phản đối Chủ tịch Hạ viện Libya hiện nay Aguila Salah, người có chủ trương ủng hộ ông Haftar.
Nhóm nghị sĩ bất đồng chính kiến này tuần trước tụ họp tại Tripoli. Tại đây, họ tuyên bố cuộc chiến này là “phi nghĩa” và ngày 5-5 đã chọn ông Sadeq al-Keheli, thành viên cấp cao nhất của họ, làm chủ tịch Hạ viện “lâm thời” trong vòng 45 ngày.
Kể từ ngày 4-4, các trận giao tranh giữa LNA và các lực lượng trung thành GNA đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 432 người, làm bị thương 2.069 người và buộc 55.000 người khác phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc.