Nga lo ngại tên lửa NATO đe dọa an ninh

Theo AFP, dự kiến tại hội nghị này, NATO sẽ hoàn tất củng cố quân sự ở sườn phía đông qua hoạt động triển khai quân đội và thiết bị đến các nước vùng Baltic. Đây là hành động củng cố bố phòng chưa từng thấy của NATO từ sau Chiến tranh lạnh.

Trước đó hôm 12-5, NATO đã khánh thành hệ thống phòng thủ chống tên lửa đầu tiên của Mỹ ở châu Âu đặt tại Deveselu (Romania). Hôm sau, NATO tiếp tục xây dựng hệ thống thứ hai tại Redzikowo (Ba Lan). Dự kiến hệ thống này sẽ hoạt động vào năm 2018.

NATO cho rằng hệ thống ở châu Âu là một phần của mạng lưới phòng thủ chống tên lửa toàn cầu nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Iran và CHDCND Triều Tiên chứ không nhằm vào Nga. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trấn an: “Các cản trở về địa lý và vật lý không cho phép chúng tôi bắn hạ tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga. Chúng tôi có rất ít lá chắn tên lửa và chúng nằm hoặc quá xa về hướng nam hay quá gần biên giới Nga”.

Dù vậy, Moscow đánh giá hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở Ba Lan ẩn chứa mối đe dọa tiềm tàng đối với tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga. BáoRussia Beyond the Headlines (Nga) dẫn lời chuyên gia quân sự Nga Konstantin Bogdanov nhận định ông Jens Stoltenberg nói có lý đối với hệ thống ở Romania. Tuy nhiên, giới quân sự Nga cho rằng hệ thống này lại thuộc mạng lưới phòng thủ chống tên lửa Aegis và các thành phần khác của Aegis thì không vô hại như vậy.

Mạng lưới phòng thủ chống tên lửa Aegis ở châu Âu gồm các căn cứ ở Deveselu (Romania) và Redzikowo (Ba Lan), các radar ở Kurecik (Thổ Nhĩ Kỳ), bốn tàu hải quân Mỹ trang bị hệ thống Aegis và trung tâm chỉ huy đặt tại căn cứ không quân Mỹ ở Rammstein (Đức).

Theo các chuyên gia Nga, với các thế hệ tên lửa đánh chặn hiện đại như SM-3 Block IIA và Block IIB (dự kiến hoàn tất trong những năm 2020), Mỹ vẫn có thể đánh chặn tên lửa chiến lược Nga phóng đi từ phía tây và tây bắc Nga về hướng Bắc Mỹ.

Điều khiến quân đội Nga lo lắng hơn hết là hai hệ thống ở Romania và Ba Lan thuộc mạng lưới di động Aegis, tức tên lửa đánh chặn bố trí trên các tàu chiến. Nếu xảy ra xung đột, các tàu này có thể tập trung ở biển Na Uy, khu vực nằm trong đạn đạo của tên lửa chiến lược Nga.

Ngoài ra, Nga cũng khẳng định hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở Romania đã vi phạm hiệp ước tên lửa tầm trung ký kết năm 1987. Căn cứ ở Romania vẫn có thể được sử dụng để phóng tên lửa hành trình vốn bị cấm theo hiệp ước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới