“Tổng thống Vladimir Putin có thể triển khai lực lượng đặc nhiệm chiến đấu trên mặt đất tới Syria. Động thái này sẽ đảm bảo một thắng lợi quyết định (cho Damascus)” - cựu quan chức Nga nói với đài Al Jazeera.
Tổng thống Putin được cho là đang thảo luận kế hoạch triển khai bộ binh tới Syria với các chỉ huy quân sự cấp cao. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Fyodorov xác nhận các cuộc thảo luận đang được xúc tiến.
Lực lượng sắp được triển khai này có thể là lực lượng đặc biệt hoặc các binh sĩ tình nguyện -những người sẵn sàng kề vai sát cánh chiến đấu cùng quân đội Syria và các đồng minh.
Lực lượng bộ binh của Nga. Ảnh: deadliestfiction.wikia.com
“Đây là một vấn đề nhạy cảm. Việc Nga triển khai bộ binh tham chiến dẫn đến những nghi ngờ làm phức tạp hoặc thúc đẩy quá trình đàm phán hòa bình cũng như khắc sâu bất đồng với Mỹ” - ông Fyodorov nói. Tuy nhiên vẫn có nhiều người ủng hộ và tin rằng việc triển khai này là cần thiết, theo quan chức trên.
“Từ quan điểm của Nga, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad nên kiểm soát 70% lãnh thổ trong nước. Đó là lý do tại sao vấn đề triển khai bộ binh trên mặt đất của Moscow đang trở nên thực tế hơn” - ông Fyodorov cho hay.
Dưới sự yểm trợ của quân đội Nga ở Syria từ ngày 30-9-2015, chính quyền Damascus đã đẩy lùi phiến quân trên nhiều mặt trận. Nhưng gần đây, tình hình không mấy khả quan cả ngoài chiến trường lẫn trên bàn đàm phán có thể là nguyên nhân khiến Nga đẩy mạnh hoạt động quân sự để cán cân nghiêng hẳn về phía đồng minh Syria.
Trong những tuần gần đây, vai trò của Moscow trên chiến trường Syria đã giảm đáng kể khi Tổng thống Putin muốn tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán chính trị. Thông điệp này khá rõ ràng khi Nga gần như vắng mặt trong chiến dịch quân sự ở TP Aleppo hồi đầu tháng 5 vừa qua.
Một cuộc không kích của Nga ở Syria nhìn từ trên cao. Ảnh: The Moscow Times
Tuy nhiên, đến ngày 22-5, tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh cho biết Moscow đã thực hiện các cuộc không kích đầu tiên ở Aleppo kể từ khi Mỹ - Nga làm trung gian thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 2.
“Nga có ít sự lựa chọn. Bản thân họ không thể để mất Aleppo vì đó là con át chủ bài. Đồng thời, các bên khác sẽ lấy lại thế chủ động và Assad buộc phải chấp nhận những điều kiện không thuận lợi” - nhà phân tích chính trị Sergey Strokan nói với Al Jazeera.
Sự can thiệp quân sự của Nga ở Syria đã tiêu tốn hàng tỉ USD trong bối cảnh Nga đang trải qua đợt khủng hoảng kinh tế. Và Điện Kremlin chắc hẳn không muốn kéo dài cuộc chiến này.
Biện pháp triển khai lực lượng đặc nhiệm tác chiến trên mặt đất được đánh giá là nước cờ dứt điểm giúp chính phủ Syria cùng đồng minh phát động một trận chiến cuối cùng để chấm dứt xung đột.