Nga-Thổ làm lành, vô hiệu hóa lệnh trừng phạt của NATO?

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Press TV (Iran), chuyên gia chính trị William Jones của tuần san chuyên về tình báo Executive Intelligence Review ở Washington Ian Williams, nhà phân tích cao cấp về chính sách đối ngoại ở New York, đã đưa ra nhận định trên.

Cuộc nói chuyện của hai chuyên gia xoay quanh chủ đề về chính sách hòa dịu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nga, cũng như cách tiếp cận mới của Ankara với các đồng minh truyền thống như Mỹ và các quốc gia châu Âu.

putin và Erdogan

Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã gặp nhau lần đầu kể từ sau vụ bắn rơi Su-24 Nga. Ạh: Sputnik

Chuyên gia William Jones đã mô tả các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin là "một cuộc họp chiến lược". Bởi cuộc họp này không chỉ xua tan bầu không khí “lạnh lẽo” trong quan hệ song phương, mà còn lấy lại lòng tin hai nước, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia ở Trung Đông trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

"Một trong những chủ đề chính của cuộc họp sẽ là tình hình ở Syria. Nga đã can thiệp quân sự tại quốc gia Trung Đông này và giúp đảo ngược tình thế ở đó. Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ sẽ nỗ lực hợp tác với Nga về vấn đề này” - ông Jones nói.

Ông nói thêm việc Moscow và Ankara xích lại gần nhau sẽ là đòn giáng mạnh mẽ vào chính sách trừng phạt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) áp lên Nga.

“NATO, Mỹ và châu Âu vì bất đồng chính kiến đã theo đuổi chính sách chống Nga. Họ điều binh sĩ áp sát biên giới Nga, áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế” - Jones khẳng định - “Thổ Nhĩ Kỳ đang từ bỏ điều này. Tôi nghĩ rằng người dân trong khối NATO cũng sẽ không lấy làm hài lòng trước động thái này của Ankara”.

Theo ông Jones, những thông tin này tất cả đều tích cực cho hai quốc gia Nga-Thổ cũng như cho toàn bộ khu vực.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích Ian Williams lại có cách nghĩ khác. Ông tin rằng việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tái thiết quan hệ chủ yếu là xuất phát từ động cơ cá nhân, chứ không phải là một liên minh chiến lược dài hạn.

"Tôi không thấy kế hoạch hay liên minh chiến lược lâu dài ở đây. Tôi nghĩ có động cơ cá nhân” - ông Williams nói.

Ông khẳng định bằng cách theo đuổi một trục hướng đến Nga, ông Erdogan đang tìm cách đe dọa Mỹ và các nước châu Âu để có được nhiều tiền hơn “chính xác giống như những gì ông đã làm trước đây khi thỏa thuận tị nạn với châu Âu”.

“Ông ấy (Erdogan) giờ đây lại chơi trò tương tự như vậy. Ông ấy có thể tỏ lòng yêu mến Nga, đồng thời gửi tín hiệu đến Mỹ và châu Âu: “Này, đến và đề nghị với tôi đi”. Tôi thực sự nghĩ đó có thể là một phần quan trọng của những gì đang xảy ra bây giờ", ông Williams nhận định.

Thổ bắn Su-24 Nga

Nga-Thổ đang tái thiết quan hệ sau "cú đâm sau lưng" của Ankara.

Ngày 9-8 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc gặp tại Saint-Peterburg (Nga).

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Erdogan sau khi nước này xảy ra đảo chính. Và cuộc gặp này nhằm cải thiện quan hệ giữa hai đối thủ khu vực vốn xấu đi nhiều trong thời gian gần đây.

Đây cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo Nga-Thổ kể từ khi chiếc máy bay F-16 của Ankara bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga trên không phận Syria tháng 11-2015. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ hai phe khác nhau trong cuộc chiến Syria. Và sự cố Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga gần như đã kéo hai bên đến bên bờ vực chiến tranh.

Nga đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ và ra điều kiện chỉ bình thường hóa quan hệ khi Ankara xin lỗi và bồi thường. Tuy  nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết nói không. Đến cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Erdogan đã "chịu" viết thư gửi người đồng cấp Nga xin lỗi vụ việc. Đây được xem là khơi mào cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Nga-Thổ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm