Cứ vào tháng 12, chị Phương Hồng (Đak Lak) cho biết, gia đình chị lại bận rộn với công việc ngâm rượu hoa quả để kịp đơn đặt hàng của khách cho dịp tết Nguyên đán sắp tới. Các loại quả sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của khách như quả sim, kiwi rừng, thơm rừng, ổi, nho...
Theo chị Hồng, giá của mỗi bình rượu hoa quả sẽ từ 200.000 đồng/bình trở lên.
Rượu ngâm hoa quả hút khách dịp gần tết
Chị Hồng cho biết tùy vào nhu cầu khách hàng mà có hai cách làm rượu hoa quả, gồm: Hoa quả được ngâm trực tiếp trong rượu, và cách thứ 2 là lên men đường.
“Nhiều năm gần đây, rượu hoa quả được ưa chuộng vì độ cồn nhẹ, dễ uống, cũng không nhanh say như rượu, bia thông thường”- chị Hồng nói.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Thanh Phương (TP.HCM) dù rất thích uống rượu trái cây nhưng cũng lo ngại liệu trái cây ngâm rượu liệu có ảnh hưởng tới sức khỏe.
“Tôi thường mua hoặc tự ngâm rượu với nhiều loại hoa quả, vì thấy ở trên mạng nhiều người đã từng làm và uống. Nhưng vẫn lo ngại liệu khi ngâm rượu nhiều loại quả khác nhau, rất có thể chúng kỵ nhau, sinh ra chất có hại hay không?”- chị Thanh băn khoăn.
Những lưu ý khi uống rượu hoa quả
Trả lời về vấn đề này, theo quan điểm của PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm cho biết, về cơ bản rượu ngâm hoa quả không gây ung thư hay quá có hại cho sức khỏe. Đây là loại rượu thường được chị em phụ nữ hoặc người lớn tuổi sử dụng vì có nồng độ cồn nhẹ.
Dù vậy, bản chất vẫn có nồng độ cồn, và khi đi vào cơ thể cũng sẽ có những tác động đến thần kinh hay các cơ quan khác của cơ thể. Do đó người dân khi uống rượu hoa quả vẫn nên uống mức vừa phải, cân đối với thể trạng sức khỏe.
Bên cạnh đó, khi mua rượu hoa quả, người dân cũng nên cẩn trọng, nhất là nguồn gốc xuất xứ của rượu dùng để ngâm. Nếu dùng rượu có chứa methanol thì rất gây nguy hại cho tính mạng người sử dụng.
Vị chuyên gia cũng lưu ý thêm, với các loại rượu hoa quả được ngâm lâu năm, vì có thể gây ra các chất lạ có thể gây ngộ độc khi sử dụng.