Ngăn chặn 4 phụ nữ chuyển hơn 7,4 tỉ đồng cho các nhóm lừa đảo

(PLO)- Hàng năm, Công an tỉnh Bình Thuận nhận hơn 100 đơn tố cáo liên quan đến tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 24-6, Công an tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị "Nhận diện phương thức, thủ đoạn và bàn giải pháp phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng".

Công an Bình Thuận
Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Công an Bình Thuận nêu rõ những phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Theo Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Công an Bình Thuận, hàng năm, lực lượng Công an tỉnh tiếp nhận trên 100 đơn tố cáo liên quan đến loại tội phạm này, qua đó xác định một số phương thức, thủ đoạn phổ biến.

Cụ thể, các đối tượng sử dụng sim không chính chủ, thiết bị chuyển đổi số điện thoại, phần mềm AI giả lập hình ảnh để giả danh là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi đến người bị hại, thông báo họ có liên quan đến vụ án hình sự, ma túy, rửa tiền…; giả danh nhân viên Công ty viễn thông, Công ty điện lực gọi điện thông báo nợ cước viễn thông, cước điện lực…; giả danh CSGT gọi điện thông báo phạt nguội… nhằm gây sức ép, dọa nạt, làm người dân hoang mang, làm giả các lệnh bắt giam, quyết định khởi tố của cơ quan chức năng để đe dọa người bị hại, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra

cong-an-binh-thuan (2).jpg
Quang cảnh hội nghị.

Ngoài ra còn có các hình thức lừa đảo mua hàng trực truyến với giá rẻ; tuyển cộng tác viên Online; kêu gọi đầu tư, tài chính, tiền ảo; giả yêu đương, gửi nhận tiền, bưu phẩm từ nước ngoài; đánh cắp hoặc tạo tài khoản mạo danh trên mạng xã hội; vay tiền trực tuyến; thông báo trúng thưởng, quà tặng; giả mạo trang web các khách sạn, resort; cài đặt ứng dụng giả mạo hoặc mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện liên hệ trực tiếp với phụ huynh báo tin về việc học sinh bị tại nạn, đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản…

Theo Công an Bình Thuận, loại tội phạm này thường hoạt động có tổ chức, có sự phân công nhiệm vụ chặt chẽ giữa các đồng phạm theo từng khâu nhiệm vụ cụ thể, trong đó có đối tượng am hiểu về công nghệ thực hiện hành vi phạm tội gián tiếp qua môi trường mạng với tính chất không biên giới nên khả năng ẩn danh cao, hành vi phạm tội diễn ra trong thời gian ngắn khó xác định được địa bàn, đối tượng, thậm chí có đối tượng ở nước ngoài (Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc…).

cong-an-binh-thuan (4).jpg
Chi nhánh Agribank Bình Thuận khen thưởng các cá nhân của Công an thị trấn Ma Lâm kịp thời phối hợp ngăn chặn vụ lừa đảo vào tháng 5-2024.

Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các hình thức nêu trên thường nhắm tới nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người lớn tuổi, học sinh, sinh viên, người lao động, thiếu kiến thức về công nghệ, nhẹ dạ cả tin.

Xác định tính chất chuyển hướng của tội phạm trên không gian mạng, Công an Bình Thuận đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp công tác nhằm chủ động đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, các đơn vị đã tổ chức xác minh hơn 60 vụ việc, đưa vào tin báo, tố giác tội phạm 9 vụ, khởi tố vụ án hình sự 1 vụ liên quan đến tội phạm công nghệ cao.

Đã phát hiện, điều tra xử lý 47 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có 4 vụ liên quan không gian mạng với các thủ đoạn hack tài khoản ngân hàng, lừa bị hại nhận quà, quảng cáo hoặc kêu gọi từ thiện…;

cong-an-binh-thuan (1).jpg
Khen thưởng các cá nhân đã ngăn chặn vụ lừa đảo tại Chi nhánh Agribank Hàm Mỹ.

“Đặc biệt những tháng đầu năm 2024 với tinh thần trách nhiệm và ý thức cảnh giác cao một số nhân viên ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã kịp thời phát hiện và phối hợp với công an các địa phương ngăn chặn bốn vụ việc bị hại chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo với số tiền hàng tỷ đồng.

Cụ thể: Ngân hàng Agribank chi nhánh Hàm Mỹ phát hiện, ngăn chặn bà LTHĐ chuyển 1,8 tỷ đồng vào ngày 9-4-2024; Ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Thuận phát hiện, ngăn chặn bà TTH chuyển 450 triệu đồng vào ngày 12-4-2024; Ngân hàng Agribank chi nhánh Hàm Thuận Bắc phát hiện, ngăn chặn bà LTN chuyển 3,2 tỷ đồng vào ngày 3-5-2024; Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bình Thuận phát hiện, ngăn chặn trường hợp một phụ nữ chuyển 2 tỷ đồng vào ngày 12-6-2024”, báo cáo của Công an Bình Thuận nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm