Ngành giáo dục TP.HCM đổi mới mạnh từ Nghị quyết 29

(PLO)- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành GD&ĐT TP.HCM đã có những chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, tăng cường hội nhập.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 9-1, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT... (Nghị quyết 29).

Đổi mới kiểm tra, đánh giá

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết trong thời gian qua Sở GD&ĐT TP.HCM đã thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá, đổi mới phương pháp dạy học.

Theo ông Quốc, việc đổi mới phương pháp dạy học được thực hiện qua các hoạt động học tập; rèn luyện cho học sinh (HS) biết khai thác sách giáo khoa (SGK) và các tài liệu học tập; tăng cường phối hợp học tập cá thể với học tập hợp tác; chuyển đổi số trong các hoạt động chuyên môn…

Còn đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá được thực hiện đa dạng qua bài kiểm tra, hồ sơ học tập, qua quan sát, vấn đáp và kiểm tra nhanh cuối giờ.

Theo ông Quốc, việc thực hiện đánh giá quá trình học tập của HS bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau giúp giáo viên (GV) biết được những điểm mạnh, điểm chưa đạt từ đó có sự điều chỉnh phương pháp dạy phù hợp. Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá tạo động lực đổi mới phương pháp dạy học cho GV, nâng cao ý thức trách nhiệm với nghề, với HS, nâng cao chất lượng giảng dạy. HS tự đánh giá được kiến thức, kỹ năng của bản thân, từ đó thay đổi phong cách học. Bên cạnh đó, việc đánh giá không chỉ dựa vào điểm số mà còn bằng các nhận xét định tính trong quá trình dạy học giúp cho kết quả đánh giá chính xác hơn, có tác dụng thúc đẩy, khích lệ HS.

Bí thư Thành ủy TP.HCM trò chuyện với hiệu trưởng các trường bên lề hội nghị 10 năm thực hiện Nghị quyết 29
Bí thư Thành ủy TP.HCM trò chuyện với hiệu trưởng các trường bên lề hội nghị 10 năm thực hiện Nghị quyết 29
Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tuy nhiên, ông Quốc cũng nhìn nhận đổi mới phương pháp dạy học là quá trình lâu dài, gian khổ đối với mỗi GV. Quá trình này đòi hỏi người GV phải từ bỏ một số thói quen giảng dạy không còn thích hợp, GV phải trở thành người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động độc lập. Lãnh đạo nhà trường phải là người đi tiên phong hoặc đồng hành với GV về đổi mới phương pháp dạy học.

Mô hình “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế" là một điểm sáng trong công cuộc đổi mới. Thực hiện thí điểm từ năm 2006 tới nay, trường học mới này đã cho thấy những điểm ưu việt, vượt trội.

Một trong những vấn đề lãnh đạo TP luôn quan tâm, trăn trở, đó là chăm lo cho đội ngũ thầy cô giáo, làm sao thu hút người giỏi, người tài, có tâm huyết với nghề sư phạm. Đó là nhiệm vụ có tính then chốt trong GD&ĐT. Do đó lãnh đạo ngành giáo dục phải nghiên cứu và đề xuất cho lãnh đạo TP các cơ chế, chính sách để cải thiện, giúp các thầy cô yên tâm công tác, gắn bó với nghề để thu hút người giỏi vào ngành giáo dục.

Bí thư Thành ủy NGUYỄN VĂN NÊN

Bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, cho biết Trường THPT Lê Quý Đôn là một trong ba trường THPT được thực hiện thí điểm, xây dựng mô hình này.

“Xây dựng trường THPT với mô hình “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” là hết sức cần thiết trong bối cảnh giáo dục hiện nay. Đến nay, cùng với nhà trường, trên địa bàn TP đã có 40 trường thực hiện theo mô hình này. Mô hình có sức lan tỏa mạnh, tạo ra làn gió mới trong dạy học theo định hướng đổi mới và sáng tạo” - bà Tâm nhấn mạnh.

Đề xuất chế độ đãi ngộ với giáo viên

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ một kết quả lớn TP đạt được sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 là sự chuyển biến về nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng xã hội và người dân về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo xu thế của thời đại và gìn giữ truyền thống khuyến học, khuyến tài, tôn sư trọng đạo của dân tộc mình.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục đã có nhiều điểm sáng, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, trong thời gian tới, toàn ngành phải tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ sau để TP trở thành trung tâm lớn về GD&ĐT.

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, cần tăng cường truyền thông sâu rộng hơn nữa để các tầng lớp nhân dân, các tổ chức ngoài hệ thống cũng như các tổ chức có liên quan hiểu về Nghị quyết 29, từ đó cùng với hệ thống chính trị đầu tư cho giáo dục.

Cũng theo Bí thư Thành ủy, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trước hết là cần đổi mới tư duy, phương pháp, cách tiếp cận và thay đổi từ đội ngũ cán bộ quản lý. Ngành giáo dục cần quan tâm đổi mới bắt đầu từ sự gương mẫu của các thầy cô. TP đã và đang thực hiện chủ trương xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Hãy xây dựng mỗi trường học là một không gian văn hóa kiểu mẫu. Đồng thời, cần tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế, đề xuất những chính sách hỗ trợ học tập của sinh viên Việt Nam đi học và học trong nước...

Một số kiến nghị đối với Trung ương

- Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đề xuất xem xét ban hành chương trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

- Nghiên cứu, sửa đổi, xây dựng chế độ, chính sách đặc thù cho đội ngũ nhà giáo theo đúng Nghị quyết 29 đã nêu, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ban hành một số chính sách, chế độ đặc thù đối với đội ngũ nhà giáo.

- Điều chỉnh Thông tư 36/2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

- Xem xét ban hành nghị định về ĐH Quốc gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm