Ngày càng nhiều gia đình đối mặt khó khăn tài chính

(PLO)- Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar, ngày càng có nhiều hộ gia đình đối mặt với khó khăn tài chính, ba năm qua số hộ gia đình phải cắt giảm chi tiêu tăng cao.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar vừa xuất bản báo cáo cập nhật tình hình thị trường ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) Việt Nam quý II-2023.

Báo cáo dẫn dữ liệu của Tổng cục Thống Kê, trong quý II nền kinh tế Việt Nam có một số dấu hiệu cải thiện so với quý I như chỉ số GDP tăng lên 4,14%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 2,41% so với cùng kỳ.

Tuy lạm phát đang nằm trong tầm kiểm soát, người tiêu dùng vẫn phải đối diện với áp lực giá cả tăng cao và dè dặt trong chi tiêu.

Theo khảo sát Kantar, ngày càng có nhiều hộ gia đình đối mặt với khó khăn tài chính. Ba năm qua, số lượng gia đình phải cắt giảm chi tiêu tăng đáng kể từ 19% lên 28%.

Trong ngân sách chi tiêu, có 57% - 66% hộ gia đình dự định cắt giảm các chi tiêu ăn uống và giải trí bên ngoài. Việc mua sắm các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân ít chịu ảnh hưởng hơn.

Ngày càng nhiều gia đình đối mặt khó khăn tài chính ảnh 1

Khuyến mãi giúp doanh số tăng cao nhưng cũng tùy ngành hàng. Ảnh: TÚ UYÊN

Tuy nhiên, nhằm đối phó với giá cả tăng cao, 49% người tiêu dùng đang chủ động so sánh giá giữa các kênh mua sắm trực tuyến để tìm những chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Điều này tác động lớn đến lựa chọn mua hàng, đóng góp vào sự tăng trưởng giá trị các mặt hàng FMCG được mua có khuyến mãi đến 30% (thống kê từ tháng 3 đến tháng 5- 2023).

Đáng chú ý là không phải tất cả các ngành hàng đều hưởng lợi từ chính sách này. Mỗi chương trình khuyến mãi giúp tăng doanh số bán hàng ở mức độ khác nhau trên các kênh khác nhau.

Hơn nữa, các loại hình khuyến mãi có thể mang lại tác động tích cực và cả tiêu cực về lâu dài.

Chẳng hạn, các đơn vị thực hiện giảm giá hoặc mua 1 tặng 1 sẽ khiến lợi nhuận ít đi nhưng tạo tác động tích cực về lâu dài. Vì vậy, nhà sản xuất cần đo lường hiệu quả của khuyến mãi trên nhiều phương diện.

Bên cạnh đó, việc khuyến mãi đáp ứng được nhu cầu tiết kiệm của người tiêu dùng, phần nào giúp tăng doanh số trong thời gian nhất định.

Các nhà sản xuất FMCG cần hiểu rõ mỗi chương trình khuyến mãi mang lại tác động lên nhãn hàng, ngành hàng thế nào để triển khai hiệu quả.

Nhìn chung, tính đến quý II-2023 tổng chi tiêu FMCG ở khu vực thành thị bốn thành phố chính Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ tăng trưởng 8%, khu vực nông thôn là 10%.

Dự báo ngành hàng FMCG tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm. Các thương hiệu cần duy trì mở rộng sự hiện diện trên những kênh bán lẻ và nền tảng quan trọng, tận dụng tiềm năng các kênh trực tuyến, mang lại trải nghiệm mua sắm liền mạch, tiện lợi cho người tiêu dùng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm