Hôm nay (21-9), cả thế giới mừng Ngày Hòa bình thế giới. Một điều trớ trêu, 34 năm sau ngày được Đại hội đồng LHQ thành lập - năm 1981, giờ chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới hoàn toàn trái ngược với hai chữ hòa bình.
Chỉ số Hòa bình Toàn cầu 2016 cho thấy hiện trên thế giới chỉ có 10 nước hoàn toàn không có xung đột và chúng ta đang sống trong một thế giới nhiều chiến tranh, xung đột nhất trong vòng 10 năm nay.
Khoảng 112.000 người chết vì chiến sự trong năm 2015, cao nhất trong 20 năm. Số người tị nạn vì xung đột, chiến tranh hiện tại đang ở mức cao kỷ lục trước nay - 65,3 triệu người vào cuối năm 2015, theo Cao ủy LHQ về người tị nạn. Số liệu của LHQ cũng cho thấy hơn 50 triệu trẻ em trên toàn cầu phải di cư tránh chiến tranh.
Có thể nói, Ngày Hòa bình thế giới năm nay diễn ra trong một thế giới không có hòa bình. Từ Yemen tới Iraq, Syria, từ Nam Sudan tới Ukraine, chúng ta chứng kiến xung đột, chiến tranh lan tràn. Các quốc gia Hồi giáo đang đối mặt với rất nhiều thách thức khi bị xem là cái nôi của khủng bố, trong đó có thách thức từ phương Tây, theo The Nation (Pakistan).
Syria là nơi đang diễn ra cuộc xung đột trầm trọng nhất thế kỷ 21 với hơn 250.000 người thiệt mạng và gần 11 triệu người - khoảng 1/2 dân số - phải rời bỏ đất nước trong hơn năm năm nội chiến. Ước tính số người bị giết và bị thương vì chiến sự chiếm 11,5% dân số Syria.
Bạo lực, thương vong vẫn xảy ra hằng ngày ở Syria - tâm điểm xung đột của thế giới hiện nay. Ảnh: REUTERS
Trường hợp Syria rất đang ngại khi đón nhận quá nhiều sự can thiệp từ nhiều nước, từ cường quốc khu vực đến cường quốc toàn cầu, đến quốc gia hạt nhân, quá nhiều vũ khí đổ vào Syria từ nhiều phía. Vì lý do này, cuộc khủng hoảng Syria có thể nhanh chóng biến thành cuộc khủng hoảng toàn cầu bất cứ lúc nào. Bên cạnh lời kêu gọi hòa bình cho Syria thì những gì chúng ta nhìn thấy được từ các cường quốc can thiệp vào Syria là chuẩn bị mở rộng chiến tranh.
Số thương vong vì nội chiến ở Yemen từ tháng 3-2015 đến thời điểm này theo LHQ là 10.000, dù con số thật sự có thể còn cao hơn. Hơn 3 triệu người phải sơ tán, trong đó 200.000 người phải tìm đường tị nạn ra nước ngoài. 14 triệu trong tổng dân số 26 triệu dân của Yemen đang cần được cứu trợ thực phẩm.
Nam Sudan, đất nước non trẻ nhất thế giới vừa mới thành lập năm 2011 đã lâm vào nội chiến năm 2013. Tính tới nay đã có hàng chục ngàn người chết, hơn 2,4 triệu người phải sơ tán.
Một quốc gia chìm trong khủng hoảng, xung đột nữa là Afghansitan. Chỉ trong ba tháng đầu năm đã có hơn 80.000 người phải sơ tán.
Tại châu Âu, đầu năm nay, chúng ta thấy NATO và các đối tác tổ chức đợt tập trận lớn nhất ở Đông Âu kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, một nỗ lực phô diễn sức mạnh với Nga. Trả lời, Nga tập trận lớn chưa từng có ở lãnh thổ Crimea.
Tại Ukraine, hơn 9.000 người đã chết kể từ khi bắt đầu nội chiến tháng 4-2014.
Hòa bình châu Á cũng rất mong manh với căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng tăng và nguy hiểm, căng thẳng quanh tranh chấp biển Đông, căng thẳng các bên quanh chính sách hướng Đông của Mỹ.
Tại sao lại như vậy? Tại sao thay vì có các bước đi tiến tới hòa bình thì chúng ta lại bằng nhiều cách từ đơn giản tới phức tạp để kích động thêm nhiều xung đột? Theo Daily Star (Bangladesh), một trong những lý do chính là để làm phình túi các nhóm lợi ích - mà một trong đó là các nhà sản xuất vũ khí.
Khắp các nước đang oằn mình vì chiến tranh, xung đột, chúng ta có thể thấy sự can thiệp bất hợp pháp của nước này vào nước khác, mà không cần sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an LHQ.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon giống chuông hòa bình trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Hòa bình thế giới tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ). Ảnh: REUTERS
“Hòa bình không phải là món quà. Hòa bình là điều tất cả chúng ta phải nỗ lực để đạt được mỗi ngày, ở mỗi nước” là thông điệp của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon trong buổi lễ gióng tiếng chuông kỷ niệm Ngày Hòa bình thế giới năm nay. Năm này qua năm khác, đây có lẽ là thông điệp ít để ý nhất.
Tuy nhiên, tiếng chuông hòa bình có vẻ quá nhỏ bé và yếu ớt trước hàng loạt tiếng trống thúc trận ngày càng dồn vang, mỗi ngày. Và hơn bất cứ lúc nào hết, truyền thông toàn cầu hiện nay với việc đưa tin một cách có chủ ý về các cuộc xung đột đang làm cả thế giới ngày càng xa rời hòa bình hơn.