Chúng tôi tới ấp Vàm Nao (xã Tân Trung, huyện Phú Tân, An Giang) theo chân đoàn khảo sát du lịch về nông nghiệp. Khúc sông Vàm Nao là nơi nối sông Tiền với sông Hậu. Đây là địa danh nổi tiếng miền Tây về cá bông lau. Mùa này đang là mùa săn cá bông lau của người dân miệt sông nước này. Đã gọi là săn thì có khi trúng khi trật, người xứ này gọi đó là nghề “bà cậu”. “Bà cậu” cho thì được, không thì thôi nhưng vì giá trị mang lại của con cá khi được “bà cậu” cho là khá lớn nên cứ đến mùa là xứ Vàm Nao lại rộn ràng đèn, lưới, xuồng máy đi săn cá bông lau. Chỉ riêng xã này, mỗi đêm có khoảng 20 hộ đi săn.
Luật bất thành văn trong nghề
… 6 giờ chiều, chúng tôi ghé qua nhà ông Nguyễn Văn Ư thì thấy các con ông đang tranh thủ ăn bữa cơm chiều để chuẩn bị chuyến đi săn vào buổi tối. Đồ nghề đã chất gọn gàng trên ghe neo ở con kênh sau nhà. Sau khi cơm nước xong, mọi người nghỉ ngơi trò chuyện chút xíu rồi chuẩn bị nước uống và đồ ăn nhẹ, mền, chiếu cho một đêm dài lênh đênh sông nước.
Ông Ư là người có thâm niên hơn 15 năm săn cá bông lau và đến giờ thì hoàn toàn nghỉ ngơi, chuyển giao nghề cho các con vì sức ông không thể kéo lưới suốt đêm được nữa. Ban ngày các con ông dành khoảng bốn tiếng khi nước ròng để thả lưới, còn ban đêm thì thả sáng đêm, cứ khoảng một tiếng kéo lưới một lần. Tính ra một đêm mỗi xuồng thả và kéo lưới không dưới tám lần. Theo ông Ư, vào ban đêm thì cá dễ dính hơn nên nước lớn hay nước ròng gì người ta cũng thả lưới.
Các nông dân sẵn sàng cho một chuyến đi săn đêm. Ảnh: N.NAM
Có một luật bất thành văn mà bất cứ thợ săn nào ở đây cũng biết và triệt để tuân theo. Đó là xuồng từ nhà phải chạy ra bến xếp hàng chờ đến lượt mới được đi. Cánh thợ săn gọi vui là chờ tài. Tài trước xuất phát được khoảng 10-15 phút thì tài sau có thể đi. Gọi là bến cho sang nhưng thực chất chỉ là khu vực cắm hàng chục cây sào tre để các ghe neo vào đó. “Có người nào nghĩ rằng hôm đó cá nhiều rồi tự phá luật không chờ đến lượt không?” - chúng tôi hỏi. Các thợ săn đều khẳng định không ai làm vậy vì nếu có chắc chắn sẽ bị mọi người chê cười và không hợp tác nữa.
Đi “săn” trong đêm
… Khoảng 8 giờ tối, chúng tôi tới bến, anh Văn và nhiều người khác đang cắm sào chờ tài. Khác với nhiều nhà thường đi săn mỗi xuồng có hai người gồm cha - con, vợ - chồng hoặc anh - em, anh Văn đi săn có một mình. Hỏi anh mấy hôm nay có săn được con nào lớn không, anh cười toe đáp 10 đêm rồi về tay không. Hỏi anh có thấy nản không, anh lại cười đáp: Nghề “bà cậu” mà, “bà cậu” cho thì mình được, không thì thôi, bữa sau lại đi tiếp chứ không nản. Với lại giá trị con cá này cao nên khi mới bắt được cũng đủ bù đắp chuyện bõ công chờ đợi.
Thời điểm này, giá cá bán tại bến khoảng 170.000 đồng/kg, dịp tết là 250.000 đồng/kg. Chỉ cần một đêm săn được một con 3 kg cũng đã được nửa triệu đồng, trừ chi phí xăng dầu, ăn uống nhẹ một đêm như anh Văn khoảng 30.000 đồng thì vẫn lời lớn nên nhiều n vẫn theo.
… 11 giờ tối, mặt sông lấp loáng ánh trăng pha với màu sắc đủ loại của đèn lưới giăng nhìn lung linh, huyền ảo như lễ hội thả hoa đăng. Gió sông lồng lộng. Xuồng của các thợ săn bồng bềnh, uyển chuyển theo nhịp của nước. Vẳng xa xa có tiếng ai buông câu hò ngọt lịm làm nao lòng khách phương xa. 11 giờ tối cũng là thời điểm nước bắt đầu ròng nên nhà nhà đều tay thả lưới.
… 12 giờ đêm, có hai con cá bông lau (mỗi con khoảng 7 kg) dính vào lưới hai nhà, tiếng í ới vui nhộn trên sông. Thương lái đến chờ sẵn ở bến mua ngay. Khách ra về vẫn còn lưu luyến khung cảnh thơ mộng của đêm đi săn trên bến Vàm Nao.
Nông dân tham gia làm du lịch Khách du lịch sau khi tham gia tour này họ rất thích vì nó đậm chất nông dân. Có người đi rồi quay trở lại đi tiếp. Ngoài săn cá, du khách còn được bắt ốc, bẻ ấu, tắm đồng… Tour săn cá bông lau chỉ có vào mùa khô, thời gian kéo dài từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau. Chúng tôi đang xúc tiến thành lập hợp tác xã du lịch nông nghiệp hỗ trợ nông dân tham gia làm du lịch. Qua đó, giúp người dân tăng tính đoàn kết trong làm du lịch và ký kết hợp đồng tour với các công ty hiệu quả hơn. Ông NGUYỄN THANH TÙNG, Trưởng bộ phận Marketing Trung tâm Du lịch nông dân An Giang 400 khách tham gia tour săn cá bông lau (ảnh) là mục tiêu đặt ra trong năm nay của Trung tâm Du lịch nông dân An Giang. Tour du lịch săn cá bông lau trên sông Vàm Nao được đưa vào khai thác ba năm nay. Năm đầu tiên có 60 khách, năm thứ hai có 200 khách và từ đầu mùa khô đến nay đã có 200 khách tham gia tour này. Du khách chủ yếu đến từ TP.HCM và miền Đông Nam Bộ, thỉnh thoảng cũng có khách ngoài Hà Nội và khách nước ngoài tham gia. |