Nghề chà đồ đồng mùa Tết trên đảo Lý Sơn

Đang loay hoay sửa lại chiếc mô tô cũ có công suất 3 ngựa để “hành nghề” chà đồ đồng cho người dân địa phương, anh Phạm Như Hải  (thôn Đông, xã An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi) cho biết đây là năm thứ sáu anh đi chà đồ đồng dịp Tết.

Tuy chỉ là nghề tay trái nhưng mỗi ngày anh cũng có thể thu nhập tiền triệu. Theo anh Hải, người làm nghề này phải có tính cẩn thận, kiên nhẫn và chịu khó bởi tính chất công việc khá tỉ mỉ, vất vả, đòi hỏi sức khỏe. “Muốn kiếm được đồng tiền từ nghề này đâu có dễ. Nếu không cẩn thận có thể xảy ra tai nạn, nhẹ thì xước tay chảy máu, nặng thì dập tay hư mắt”, anh nói.

Giáp Tết, những người làm nghề chà đồ đồng trên đảo Lý Sơn có thể kiếm được một khoản tiền tiêu tết kha khá . Ảnh: PHẠM MỊNH.

“Ngày trước chưa có điện lưới nên phải sử dụng máy nổ diezen để chạy mô tô vừa chậm, tốn kém vừa không an toàn. Đã có người tay bị cuốn vào mô tô phải cắt bỏ ngón tay. Nay chỉ cần một một mô tơ điện công suất lớn, vài bố vải chà cộng với ít dầu hỏa, hóa chất tẩy đồng là có thể hành nghề”, anh Hải cho hay.

Cũng theo anh, nghề này chỉ kiếm tiền trong vài ngày, do vậy những người làm nghề chủ yếu là nông dân, ngư dân, tranh thủ thời gian rỗi mang máy ra chà kiếm tiền tiêu tết. Hiện toàn huyện Lý Sơn có hàng chục nơi chà đồ đồng được đặt tại các góc chợ, vỉa hè được che chắn tạm bợ.

Tay nắm chắc chân đèn đồng đã xỉn màu vừa được phủ lên lớp hóa chất tẩy đồng, ông Dương (thôn Tây, xã An Hải, chia sẻ đây là năm đầu tiên ông và con trai hành nghề chà đồ đồng dịp tết. “Ở Lý Sơn nhà nào cũng có bộ lư hương đồng thờ ông bà tổ tiên. Mỗi bộ đồ đồng khi chà xong tùy theo kích cỡ mà có giá từ 200 -250 ngàn đồng. Nếu 2 người làm cật lực từ sáng đến tối cũng được 6 -7 bộ, trừ chi phí cũng cho thu nhập khoảng 600 -650 ngàn/ngày”, ông Tâm nói.

Theo ông Tâm, sau khi những chiếc lư đồng được chà bóng, công đoạn tiếp theo là dùng vải lau sạch dầu hỏa và hóa chất để đồ đồng được sáng bóng rồi đem phơi nắng, lau chùi lại là xong.

Không chỉ lư đồng, với quan niệm xả hết xui xẻo khi năm hết tết đến, nhiều người còn mang mâm, thau, nồi và các vật dụng được chế tác bằng đồng tinh xảo có niên đại vài chục năm tuổi để chà sáng.

Ông Phạm Cảnh - ở Thôn Đông xã An Vĩnh chia sẻ: “Theo quan niệm của người dân Lý Sơn, gia đình yên ấm, việc làm ăn thành bại trong năm đều có sự phù hộ của tổ tiên. Do đó việc trang trí trang nghiêm bàn thờ là việc làm quan trọng, thể hiện lòng thành của con cháu đối với ông bà tổ tiên và các vị thần linh”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm