Tuy nhiên, khi dự án được đưa ra để trưng cầu dân ý, có tới 77% cử tri từ chối nhận tiền của Chính phủ, bởi họ cho rằng đây là “dự án dành cho những người lười biếng”. Họ cho rằng chỉ có tiền, không có mục tiêu phấn đấu thì cuộc sống này chẳng có ý nghĩa gì.
Thì Thụy Sĩ là vậy! Ấy thế nhưng ở Việt Nam, tình hình có vẻ rất khác. Tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17-9, vấn đề “chạy” hộ nghèo để trục lợi gợi lại nhiều điều trái khoáy đã từng xảy ra.
Người ta sẵn sàng, dù giàu có, cũng cố được công nhận là nghèo khó để được Nhà nước hỗ trợ. Có người ở thành thị nhưng dứt khoát phải chạy hộ khẩu lên vùng sâu, vùng xa để con cái được cộng điểm khi thi đại học…
Trong khi đó, lẽ ra khi nghèo thì phải chăm chỉ làm ăn, nghèo thì phải thấy đó là nỗi nhục để chí thú lo toan mà thoát khỏi cảnh nghèo. Nhưng ngặt nỗi, như Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định: “Dường như người nghèo cảm thấy vinh dự khi họ được gặp, bắt tay lãnh đạo và được tặng quà”.
Người nghèo được hỗ trợ là một sự nhân văn và lẽ ra Quốc hội không cần băn khoăn vì điều đó. Nhưng ngay cả “chủ tịch xã đã phải đi tù vì đưa người thân vào diện hộ nghèo” thì… chả còn gì để nói. Soi rộng ra, có thể đó là cả một câu chuyện lớn, lớn hơn cả chuyện trục lợi diện hộ nghèo. Khéo tư duy này chính là nguyên cớ của bệnh không chịu lớn, không chịu phát triển mà các chuyên gia đã từng nhắc tới trên bình diện quốc gia.
Và nếu soi lại lịch sử, trong 10 điều bi ai của dân tộc Việt Nam, cụ Phan Châu Trinh đã nhận định: “Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám”.
Cám cảnh thay hiện nay tình trạng này vẫn còn nhức nhối khi ở nhiều nơi việc trục lợi từ chính sách dành cho người nghèo vẫn cứ diễn ra.