Ngày 3-3, hai ngày sau khi được VKSND huyện Tây Hòa (Phú Yên) cho tại ngoại, anh Lê Văn Lầm (xã Hòa Thịnh, Tây Hòa) có đơn đề nghị các cơ quan chức năng minh oan, trả lại danh dự cho anh.
Hủy án vì không đủ chứng cứ buộc tội
Theo hồ sơ, chiều 20-1-2012, sau tiệc tất niên tại nhà anh Lê Văn Triều (anh ruột của Lầm, ở cạnh nhà), mọi người tổ chức đánh bài. Trong lúc chơi, mọi người cãi cọ và xảy ra mâu thuẫn. Triều lấy một đoạn cây sắt đánh vào đỉnh đầu Lê Tấn Đãi (anh vợ của Triều), sau đó được vợ Triều can ngăn. Khi Đãi đi ra ngoài đường thì bị Lầm cầm rựa dài 1,2 m chạy đến chém vào mặt Đãi, gây thương tích 24%.
Sau gần 15 tháng điều tra, ngày 16-4-2013, Công an huyện Tây Hòa khởi tố bị can đối với Lầm tội cố ý gây thương tích. Đến ngày 15-5-2013 thì Lầm bị bắt tạm giam. Ngày 12-9-2013, TAND huyện Tây Hòa tuyên phạt Lầm ba năm sáu tháng tù.
Sau khi Lầm kháng cáo kêu oan, ngày 9-12-2013, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Tòa cho rằng việc điều tra, truy tố, xét xử của cấp sơ thẩm có quá nhiều sai sót, không đủ chứng cứ buộc tội.
Đến ngày 28-2, Lầm được cho tại ngoại với lý do không cần thiết tiếp tục tạm giam.
Bà Nguyễn Thị Nở cho rằng Lê Văn Lầm đã bị tội oan. Ảnh: TẤN LỘC
Bỏ qua chứng cứ gỡ tội
Bản án phúc thẩm ngày 9-12-2013 của TAND tỉnh Phú Yên đã nêu ra hàng loạt sai sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử của cấp sơ thẩm. Đó là cấp sơ thẩm không xác định được vật gì gây ra vết thương ở vùng mặt của bị hại, không xác định được cơ chế hình thành thương tích; không thu thập hoặc truy tìm vật chứng. Lời khai của bị hại, những người làm chứng (đều là anh em, người thân của bị hại) có quá nhiều mâu thuẫn nhưng chưa tiến hành đối chất; khám nghiệm hiện trường không có kiểm sát viên tham gia…
Bản án phúc thẩm chỉ rõ: Trong khi đánh bài tại nhà, Triều dùng tay đánh Đãi ngã vào đống gỗ nhưng cơ quan điều tra không làm rõ hình dạng khúc gỗ, trong đống gỗ có vật sắc cạnh tác động lên mặt của bị hại hay không… Mặt khác, những người tham gia tố tụng khác đều khai thấy Triều cầm một đoạn sắt rằn (phi 16, có đặc điểm giống cây xà beng, một đầu có hàn một miếng sắt to bằng ba ngón tay) để đánh Đãi nhưng cơ quan điều tra chưa làm rõ. Ngoài ra, chính lời khai của người bị hại, những người làm chứng được cấp sơ thẩm dùng để buộc tội bị cáo lại có nhiều mâu thuẫn, lúc thì nói thấy Lầm chém, lúc thì nói không biết ai chém.
Trong khi đó, hàng loạt lời khai của những nhân chứng khác mang tính gỡ tội cho bị cáo thì đều không được cấp sơ thẩm đưa vào tham gia tố tụng. Đó là chưa nói ngay từ khi khởi tố vụ án đến quá trình điều tra, xét xử, cấp sơ thẩm đã có hàng loạt vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tại phiên tòa phúc thẩm, chính đại diện VKS tỉnh Phú Yên đã đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại do cấp sơ thẩm có nhiều sai sót không thể khắc phục.
Ai mới thật sự là người gây án?
Trong suốt quá trình tố tụng, Lầm luôn kêu oan, cho rằng mình không hề đánh anh Đãi và cũng không biết ai gây ra thương tích đối với người bị hại. “Ngay từ khi công an xã bắt đầu làm việc đến nay, tôi đều khẳng định mình không đánh anh Đãi vì lúc xảy ra xô xát tôi không có ở đó. Khi thấy anh Đãi người to khỏe đuổi đánh tôi, tôi sợ quá chạy trốn luôn. Khi nghe anh Đãi bị thương, tôi quay lại thì không biết ai đánh. Nhiều người cũng thấy vậy. Tôi không hiểu vì sao họ bắt giam, cố tình kết tội tôi. Suốt 293 ngày bị bắt giam, tôi luôn yêu cầu cơ quan điều tra hãy làm minh bạch, sáng tỏ sự việc” - Lầm nói.
Còn bà Nguyễn Thị Nở, mẹ của Lầm và Triều, lại cho rằng chính Triều mới là người đánh bị hại dẫn đến thương tích nói trên. Vì vậy gần một năm nay, bà Nở đã gửi đơn khắp nơi để kêu oan cho Lầm, yêu cầu cơ quan tố tụng xác định lại người đánh bị hại.
Kết quả điều tra ở cấp sơ thẩm cũng xác định Triều đã dùng cây sắt đánh vào đầu Đãi gây thương tích 2%. Tuy nhiên, cả công an và VKS huyện Tây Hòa đều cho rằng hành vi phạm tội của Triều độc lập, không đồng phạm với Lầm nên xử lý bằng một vụ án khác. Đồng thời, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Viện trưởng VKSND huyện Tây Hòa, lý giải do người bị hại (anh vợ của Triều) có đơn bãi nại nên Triều không bị khởi tố.
Ngày 3-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Võ Ngọc Trí, Phó Trưởng Công an huyện Tây Hòa, cho biết cơ quan này đang điều tra lại vụ án, kể cả xem xét việc kêu oan của bà Nở cho rằng chính Triều là người gây án.
Tương tự, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Viện trưởng VKSND huyện Tây Hòa, nói: “Chúng tôi không có ý kiến gì về bản án phúc thẩm. Chúng tôi không biện minh nhưng chúng tôi đã làm hết trách nhiệm. Chúng tôi sẽ xem xét, kiểm tra kết quả điều tra sắp tới để so sánh với kết quả điều tra trước đây và sẽ trả lời có sai sót hay không khi có bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu chúng tôi sai sót, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
TẤN LỘC
“Công an họ làm chứ tôi đâu có biết!” Chúng tôi đã đến nhà anh Lê Văn Triều - anh của Lầm nhưng không gặp được anh. Ngày 4-3, trả lời qua điện thoại, Triều nói: “Tôi có dùng cây sắt đánh vào đầu anh Đãi (anh vợ Triều) chứ không chém, còn ai chém anh Đãi thì tôi không thấy, không biết”. . Mẹ anh nói chính bà nhìn thấy anh dùng cây sắt đánh anh Đãi nên gây ra vết thương ở vùng mặt, sao anh không thừa nhận? + Bả nói sao bả nói, mặc kệ bả! . Nhiều người khác cũng nói anh chính là người gây ra thương tích đối với anh Đãi…? + Nếu tôi làm thì tôi chịu. Nhưng tôi không làm thì sao tôi chịu? Tôi không chém nên không chịu! . Vậy anh có thấy Lầm cầm rựa chém Đãi không? + Không, tôi không thấy. . Có người nói anh đánh anh Đãi ngã vào đống gỗ gây thương tích ở vùng mặt. Lúc đó anh có thấy không? + Anh Đãi có ngã vào đống gỗ. . Nếu em trai anh ở tù oan, anh có ray rứt không? + (Triều im lặng một lát rồi nói): Công an họ làm chứ tôi đâu có biết! “Con nào cũng là con…” Gần một năm nay, bà Nguyễn Thị Nở, 61 tuổi, mẹ ruột của Lầm và Triều, liên tục mang đơn đến các cơ quan chức năng kêu oan cho Lê Văn Lầm. Gặp chúng tôi, bà nói: “Lúc xảy ra xô xát, tôi đang quét sân (nhà bà Nở sát bên nhà của Triều - PV) nên đã trực tiếp chứng kiến hết. Khi đó thằng Lầm chạy trốn đâu mất rồi, chính tôi nhìn thấy thằng Triều dùng cây sắt đánh vào thằng Đãi chứ không phải em nó. Vậy mà họ bắt oan rồi kết tội thằng Lầm. Tôi đã nhiều lần nói với cơ quan công an, VKS và tòa án rằng chính thằng Triều đánh người chứ không phải thằng Lầm nhưng họ đâu có nghe!”. Rồi người mẹ già này kể: Ba ngày sau khi xảy ra sự việc, chính Triều đến nhà bà lấy cây xà beng đã dùng đánh Lê Tấn Đãi đem đi giấu phi tang. “Sau ngày thằng Lầm bị bắt, tôi nói với thằng Triều: “Sao mày đánh người mà lại đổ oan cho em mày?”. Không ngờ thằng Triều trả lời rằng: “Bà không làm gì được tôi đâu!”” - bà Nở uất nghẹn. Sau chín tháng rưỡi Lầm bị bắt tạm giam, thân hình vốn ốm yếu của bà Nở càng gầy guộc thêm khi bị sút đi cả chục ký vì nhiều ngày liền bà không ăn uống gì cả. Đến giờ bà Nở không nhớ đã gửi đi bao nhiêu lá đơn kêu oan cho con trai. “Con nào cũng là con nhưng đứa nào gây ra tội đứa đó phải chịu, đừng đổ oan cho người khác. Hơn nữa tôi muốn pháp luật phải công minh, xử đúng người, đúng tội chứ không phải xử để gây chia cắt, thù hằn trong con cái gia đình tôi” - bà Nở nói. |