Nghị quyết 18 ngăn chặn lãng phí tài nguyên đất đai - Bài 3

Nghị quyết 18: Tăng giá trị nguồn lực đất đai

(PLO)- Nghị quyết 18 NQ/TW tạo ra những bước đột phá trong lĩnh vực đất đai, đem lại hiệu quả quản lý và sử dụng đất, ngăn chặn đầu cơ, tham nhũng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng (IIB), thành viên HĐQT và cố vấn chiến lược cho một số doanh nghiệp tại TP.HCM, chia sẻ những góc nhìn xung quanh các vấn đề đang được đặt ra tại Nghị quyết (NQ) 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Không phải đánh thuế thì giá nhà sẽ giảm bởi giá cả do thị trường quyết định là chính. Ảnh minh họa: QUANG HUY

Không phải đánh thuế thì giá nhà sẽ giảm bởi giá cả do thị trường quyết định là chính.
Ảnh minh họa: QUANG HUY

Bước đột phá về chính sách

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về nội dung bỏ khung giá đất trong NQ18?

+ TS Đinh Thế Hiển (ảnh): Luật Đất đai quy định khung giá đất bám sát giá thị trường nhưng thực tế luôn có khoảng cách rất lớn giữa giá đất của thị trường với giá của Nhà nước. Khoảng cách giá này vô hình trung tạo ra kẽ hở cho tham nhũng và trục lợi đất đai. NQ18 hướng đến bỏ khung giá đất là một bước tiến bộ rất lớn trong việc nhìn nhận thị trường bất động sản (BĐS) đúng với góc độ kinh tế thị trường.

Trước đây, trong thời kỳ kinh tế kế hoạch mới có khung giá ở nhiều lĩnh vực. Khi đổi mới, Nhà nước đã dần bỏ hết nhưng trong lĩnh vực BĐS vẫn tồn tại khung giá. Nói cách khác, vấn đề hai giá đã bóp méo thị trường và tạo ra những hệ lụy gây thất thu ngân sách, cơ hội cho giới đầu cơ thổi giá đất.

Chúng ta đã đi một bước rất dài về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều chủ trương hội nhập với quốc tế, có những lĩnh vực bắt kịp với các nước phát triển nhưng BĐS vẫn tồn tại đôi chút đặc điểm của kinh tế kế hoạch, gây nhiều bất lợi cho người dân, Nhà nước về tính công bằng. Do đó, việc đổi mới bỏ khung giá đất có thể nói là bước đột phá để đưa đất đai về giá trị thực, ngăn ngừa tham nhũng về đất.

. Một nội dung khác NQ18 đưa ra là đánh thuế cao với những người có nhiều nhà đất. Điều này sẽ có tác động ra sao với thị trường, thưa ông?

+ Như đã nói phần trên, Nhà nước bỏ khung giá đất cũng đồng nghĩa phải thực hiện nguyên tắc thị trường một cách trọn vẹn cho BĐS.

Có một nghịch lý là giới đầu tư BĐS một mặt vừa muốn vừa không muốn bỏ bao cấp. Nghĩa là họ chỉ muốn bồi thường theo giá thị trường nhưng không muốn đóng thuế theo việc sử dụng nhiều thì phải chịu thuế nhiều.

Hiện nay, mọi người đang hiểu sai về mặt bản chất quy định mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều BĐS. Họ cứ tưởng Nhà nước đánh thuế cao sẽ làm cho người nộp thuế bị lỗ khi đầu tư vào BĐS hay đẩy thị trường vào tình thế khó khăn.

Cần phải nhận rõ Nhà nước phải vay tiền để đầu tư hạ tầng. Những người có BĐS tự nhiên hưởng lợi thông qua việc tăng giá trị BĐS nhờ vào điều này. Họ chỉ mất khoản thuế rất nhỏ trước đó nhưng giá trị tài sản tăng nhiều lần.

Ngoài ra, giới đầu tư có được nhiều BĐS là do Nhà nước đã chi phí rất lớn cho hạ tầng, đặc biệt là an ninh, giữ gìn trật tự và bảo vệ quyền sở hữu. Chi phí này là do người dân cả nước đóng thuế vào ngân sách. Giới đầu tư BĐS đang mặc nhiên được hưởng lợi và giàu có từ đây nhưng lại không muốn đóng thuế theo kinh tế thị trường.

Đóng thuế như trước chỉ làm lãng phí đất đai, người dân có xu hướng găm giữ đất, để đất hoang hóa chờ giá lên. Định hướng mới của NQ18 sẽ đem lại làn gió mới cho BĐS. Đó là đảm bảo tính công bằng cho mọi chủ thể. Nó sẽ chặn việc giới đầu tư BĐS thu thêm giá trị không từ việc đầu tư trên đất mà nhờ vào Nhà nước chi phí làm hạ tầng, đồng thời ngăn chặn các cơn sốt đất khi quá trình đô thị hóa diễn ra.

Thuế chắc chắn sẽ tác động đến giá BĐS nhưng thị trường vẫn sẽ là nhân tố chính quyết định.

Thiết lập lại kỷ cương, minh bạch thị trường

. Ông đánh giá thế nào khi NQ18 nhấn mạnh việc chống lãng phí đất công, bỏ hoang đất hay nhân danh dự án chiếm dụng đất?

+ Chúng ta có luật, quy định đủ để thực hiện nghiêm và quản lý chặt chẽ đất công nhưng vẫn có các sự việc diễn ra như vừa qua. Lý do chính là buông lỏng kiểm tra, giám sát và người được giao quyền cố ý làm sai. NQ18 chính là thiết lập lại kỷ cương, trật tự trên thị trường BĐS.

NQ lần này tiếp tục nhấn mạnh Nhà nước sở hữu quản lý đất và giao sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững. Đất được Nhà nước giao phải sử dụng theo mục đích. Chẳng hạn, Nhà nước giao đất để làm nông nghiệp thì phải thực hiện đúng mục đích này chứ không có chuyện một ngày đẹp trời, không thích làm nông nghiệp thì bán lại cho người khác làm du lịch sinh thái. Anh không làm nữa thì trả lại cho Nhà nước.

Chúng ta đã buông lỏng chuyển sử dụng đất sai mục đích từ quá lâu. Thậm chí đất công mà các công ty được giao sử dụng thì cứ xem là sở hữu của mình. Đến một thời gian thì tìm cách chuyển đổi, bán cho người khác hay chuyển cho nhà đầu tư khác dưới màu sắc mỹ miều là cổ phần hóa.

Đã có quy định từ lâu về việc đất Nhà nước giao không được chuyển sở hữu mà vẫn phải thuê lại và không cho phép chuyển đổi mục đích. Thế nhưng trong thời gian dài, các công ty cổ phần hóa đã biến đất Nhà nước giao thành dự án chung cư. Chính vì vậy mới tạo ra các hành vi sai trái, bao nhiêu người bị thiệt hại cũng do chuyện luồn lách và buông lỏng này.

Tôi rất đồng tình với mục tiêu của NQ18 là làm nghiêm, chặt và không tạo kẽ hở cho việc làm sai trong quá trình khai thác và sử dụng BĐS. Việc xử lý mạnh mẽ các sai phạm liên quan đến BĐS gần đây là một thông điệp rõ ràng để ngăn chặn các ý đồ muốn làm sai để tư lợi. Điều này rất tốt về mặt vĩ mô. Đất đai một khi được quản lý càng minh bạch thì hiệu quả sử dụng càng lớn, đem lại lợi ích lớn cho mọi chủ thể trong xã hội.

. Ông có cho rằng với việc đánh thuế lần này giá nhà đất sẽ giảm?

+ Thuế chắc chắn sẽ tác động đến giá BĐS nhưng thị trường vẫn sẽ là nhân tố chính quyết định. Việt Nam đã đi bước dài về phát triển kinh tế nhưng việc người dân mua được nhà hay không phụ thuộc nhiều vào thu nhập.

Nếu kinh tế Việt Nam vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để phát triển mạnh mẽ, sản xuất, kinh doanh tăng trưởng, qua đó dẫn đến thu nhập gia tăng sẽ quyết định người dân có thể sở hữu được nhà hay không. Vấn đề không nằm ở đánh thuế thì giá nhà sẽ giảm để mọi người có cơ hội với tới.

. Xin cám ơn ông.•

Đánh thuế người nhiều nhà đất: Nhiều lợi ích

Nói về hiệu ứng tích cực khác từ việc người có nhiều nhà đất sẽ bị đánh thuế cao, TS Đinh Thế Hiển cho rằng người sở hữu nhiều BĐS đã làm giàu và làm giàu cực khủng mà vẫn coi chuyện nộp thuế như là Nhà nước đang tận thu thuế. Nếu làm giàu từ đất nhưng không chấp hành nghĩa vụ thuế là sự bất hợp lý.

Có khá nhiều điều thú vị đằng sau việc đánh thuế này. Mọi nhà nước đều có chủ trương phát triển sản xuất, kinh doanh. Nền kinh tế không có sản xuất sẽ không tạo ra được nhiều sức bật.

Thuế BĐS như hiện nay chỉ khuyến khích doanh nhân bỏ tiền vào đất bởi như vậy có lợi hơn rất nhiều so với đi sản xuất, kinh doanh. Bởi vì doanh nhân sản xuất, kinh doanh chịu thuế nhiều hơn so với doanh nhân làm BĐS.

Chẳng hạn, cứ bước vào sản xuất là nộp thuế môn bài, trong quá trình buôn bán phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, chi phí BHXH cho nhân viên… Kinh doanh có lời phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền về đến túi còn chịu thuế thu nhập cá nhân. Chưa kể doanh nhân lao tâm khổ tứ cạnh tranh với đối thủ trong và ngoài nước, chưa chắc năm nào cũng có lời. Trong khi người ôm đất chắc chắn sẽ có lãi lớn theo thời gian.

Do đó, Nhà nước đánh thuế cao và hằng năm với người có nhiều BĐS sẽ giúp phân phối lại nguồn lực, Nhà nước có nguồn thu ổn định để phát triển hạ tầng.

Đồng thời sẽ chặn được việc tích trữ BĐS, không đưa đất vào sử dụng hiệu quả. Tính đúng, tính đủ thuế, người có nhiều BĐS buộc phải đưa đất vào khai thác để có tiền nộp thuế. Nếu không làm được thì phải bán cho người khác có năng lực, nguồn tài chính để khiến đất đó đẻ ra tiền, kinh doanh có lợi nhuận, qua đó nộp đủ thuế cho Nhà nước. Đất đai khi đó là tư liệu sản xuất đúng nghĩa, có giá trị gia tăng bền vững chứ không phải từ những trò đầu cơ, thổi giá đất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm