Nghị quyết đột phá cho TP.HCM và mong mỏi của triệu người dân

(PLO)- Người dân, doanh nghiệp kỳ vọng nghị quyết lần này được thông qua sẽ sớm đi vào cuộc sống, tạo ra những xung lực mới thực sự cho sự phát triển của TP.HCM.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chính phủ đã trình Quốc hội (QH) bốn nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, nói như lời của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, nghị quyết lần này được kỳ vọng sẽ tạo nên sự đột phá, vượt trội cho siêu đô thị hơn chục triệu dân.Trong khi các đại biểu QH còn xem xét, thảo luận thì người dân đang rất kỳ vọng về nghị quyết lần này.

Nghị quyết 54 của QH năm 2017 mở ra những cơ chế “đặc thù” để phát triển TP.HCM. Như tóm tắt kết quả từ chính quyền TP, có thể thấy cách tiếp cận của Chính phủ khi “bật đèn xanh” cho những cơ chế, chính sách đặc thù cho TP là hoàn toàn chính xác, mang về những thành quả nhất định. Điển hình như tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan trung ương thẩm định. TP cũng được chủ động huy động nguồn lực (như phát hành trái phiếu, tiền vay từ các nguồn) để phục vụ cho các công trình xã hội, giao thông, đô thị…

Tuy nhiên, Nghị quyết 54 cũng cho thấy không ít hạn chế mà chính quyền TP phải đối diện. Điển hình là các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan trung ương… chưa đạt yêu cầu. Mục tiêu huy động thêm nguồn lực 40.000-50.000 tỉ đồng/năm để đầu tư phát triển TP.HCM vẫn chưa thể đạt được. Việc thu hút các chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa hiệu quả…

Một hạn chế mà cả chính quyền TP và giới chuyên gia kinh tế cũng thường xuyên chỉ ra đó là dù đã có cơ chế đặc thù nhưng việc chính quyền TP phải xin ý kiến, hướng dẫn từ trung ương vẫn còn rất nhiều trong quá trình thực thi các cơ chế, chính sách. Chỉ trong năm 2022, TP.HCM đã gửi 584 văn bản xin ý kiến của Bộ KH&ĐT, tức trung bình mỗi ngày có hơn một văn bản xin ý kiến. Trong đó, lãnh đạo TP phân tích rõ có những vấn đề thực tiễn phát sinh, quy định của pháp luật chưa có; đã có quy định nhưng còn sự khác nhau giữa luật này và luật kia; đã có quy định nhưng cách hiểu còn khác nhau và nhiều vấn đề mà người thực thi chưa chắc chắn. Qua đó cho thấy xây dựng và thực thi nghị quyết vẫn còn một độ “vênh”, đòi hỏi sự thống nhất cao từ trung ương đến địa phương.

Trong bối cảnh ấy, nghị quyết mang tính đột phá, vượt trội cho TP.HCM được kỳ vọng sẽ rút được những bài học, kinh nghiệm từ thực tiễn áp dụng Nghị quyết 54 năm 2017. Điển hình, trong bốn nhóm cơ chế, chính sách mà TP đề xuất có nhóm kế thừa từ Nghị quyết 54. TP cũng chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các tỉnh, TP khác, hay các nhóm cơ chế tại các dự thảo luật đang trình QH. Nghị quyết cũng đề cập tới các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.

Thời gian qua, từ chính quyền TP.HCM đến Chính phủ, QH và cả Bộ Chính trị đều cho thấy quyết tâm lớn trong việc hoàn thiện nghị quyết tạo đột phá, vượt trội cho TP. Nhưng điều lớn lao nhất mà lãnh đạo từ TP tới trung ương cũng cần phải nghĩ đến chính là kỳ vọng từ người dân, doanh nghiệp.

Từ hàng ngàn hộ dân chịu cảnh vật vã “sống chung” với rạch Xuyên Tâm ô nhiễm nặng hàng chục năm qua đến hàng triệu người dân chịu cảnh kẹt xe, ngập úng do hạ tầng đô thị quá tải; từ các công trình giao thông, đô thị ngàn tỉ đồng phải “đắp chiếu” do vướng cơ chế, chính sách đến sự bất lực của chính quyền địa phương trong việc nâng cấp đường sá, cầu cống do thiếu nguồn lực, giải ngân chậm; từ những công trình di tích trăm tuổi đang xuống cấp trầm trọng phải đợi chờ được trùng tu đến sự mong mỏi về những sân vận động, nhà thi đấu, khu vui chơi giải trí được đầu tư xứng tầm; từ các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ đến các doanh nghiệp “kỳ lân” trong nước và nước ngoài mong muốn và có kế hoạch đầu tư vào TP.HCM… Tất cả điều đó đều trông chờ ở nghị quyết đột phá TP.HCM lần này.

Người dân, doanh nghiệp cũng kỳ vọng rằng quá trình xây dựng nghị quyết lần này sẽ song hành với việc nhanh chóng xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện để khỏa lấp độ “vênh” giữa xây dựng luật và thực tiễn thực thi để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy “công suất” tối đa, tạo ra những xung lực mới thực sự cho sự phát triển của TP.HCM - một TP luôn cùng cả nước và vì cả nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm