Nghi vấn kiểm lâm tiếp tay phá rừng ở Bình Định

Ngày 20-9, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chủ trì cuộc họp với các cơ quan liên quan để xử lý vụ phá rừng tại xã An Hưng, huyện An Lão. Ông Dũng cho biết Thủ tướng và các bộ, ngành rất quan tâm vụ việc này.

Ông Dũng đặt nghi vấn: Vì sao chỉ có một con đường độc đạo đi qua trạm kiểm lâm tại xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn nhưng không lực lượng nào phát hiện gỗ bị mang ra khỏi rừng?

Ông cho là điều rất lạ. “Tất cả cán bộ liên quan đến vụ việc này đều phải bị xử lý nghiêm túc. Phải làm cho ra ai chủ mưu, cầm đầu thực hiện vụ phá rừng này. Đây là cả uy tín, danh dự, trách nhiệm của tỉnh với trung ương. Trước mắt, tôi yêu cầu các cơ quan liên quan tập trung xử lý nghiêm túc các cán bộ liên quan đến vụ việc này tại các huyện An Lão, Hoài Nhơn, kể cả trách nhiệm quản lý của Hạt Kiểm lâm. Tôi yêu cầu tạm đình chỉ công tác ngay đối với hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã An Hưng. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão dù đang đi học cũng phải nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm. Kiểm điểm, xử lý nghiêm túc Trạm Kiểm lâm Hoài Sơn trong công tác quản lý, phối hợp. Tôi yêu cầu chủ tịch UBND huyện An Lão, chủ tịch UBND xã An Hưng, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, giám đốc Sở NN&PTNT cũng phải kiểm điểm nghiêm túc, báo cáo kết quả” - ông nói.

Chủ tịch tỉnh Bình Định cho biết sẽ làm việc với các cơ quan tố tụng của tỉnh, giám đốc Sở NN&PTNT, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm để sớm làm rõ vụ việc, xử lý theo quy định pháp luật. “Liên quan đến vụ án này, tôi sẽ làm việc với tinh thần kiên quyết…” - ông Dũng nhấn mạnh.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết Sở đã và đang tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các kiểm lâm liên quan đến vụ phá rừng trên. Trước mắt, Sở NN&PTNT đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với kiểm lâm trực chốt tại xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn và kiểm lâm phụ trách địa bàn xã An Hưng. Cũng theo ông Hổ, sau khi khởi tố vụ án, kiểm lâm tỉnh Bình Định đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền…

Theo ông Hổ, có đến 60,9 ha rừng gỗ tự nhiên bị triệt phá hoàn toàn. Trong đó gần 23 ha là rừng phòng hộ (khoảng 2.300 m3) còn lại là rừng sản xuất. Diện tích rừng bị chặt hạ nằm tiếp giáp giữa ba huyện An Lão, Hoài Nhơn (Bình Định) và Ba Tơ (Quảng Ngãi).

Theo nhận định ban đầu, thủ phạm vụ phá rừng quy mô lớn trên chỉ có thể là doanh nghiệp vì đã tự mở đường, đưa máy móc, thiết bị, phương tiện vào rừng. Ngoài việc lấy gỗ, họ phá để trồng keo và kiểm lâm huyện An Lão đã nhổ bỏ 7 ha cây keo vừa trồng mới trên diện tích rừng bị phá...

Thủ tướng chỉ đạo xử lý vụ phá rừng ở Quảng Nam

Liên quan vụ phá hàng trăm hecta rừng ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam mà báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm và báo cáo Thủ tướng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cho biết ngay sau khi nhận được thông tin, ông đã chỉ đạo các cơ quan vào cuộc điều tra làm rõ sự việc. Ngày 19-9, Sở NN&PTNT, kiểm lâm, công an đã lên hiện trường. “Thứ Sáu tuần này tôi sẽ trực tiếp đến hiện trường kiểm tra” - ông Thanh nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hơn 200 ha rừng bị phá ở khu vực này.

HUY TRƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.