Nghịch lý đội bóng của bầu Đức thua xa đội bầu Hiển

Sau 13 trận lượt đi V-League 2020, cả hai đội HA Gia Lai và Hà Nội có cùng 20 điểm, cùng lọt vào tốp 8 đội mạnh nhất tranh vô địch. Nhưng nếu như thầy trò Chu Đình Nghiêm bất bại với 6 trận thắng lớn, 1 hòa thì đội bóng của bầu Đức có 6 trận liên tiếp toàn thua đậm, chỉ thắng mỗi trận cuối an ủi trước tân binh Hà Tĩnh 3-0.

Kết quả nay là một nghịch kéo dài giữa hai đội bóng thường xuyên có nhiều cầu thủ khoác áo các đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Park Hang-seo lẫn các đời tiền nhiệm.

HA Gia Lai sớm trụ hạng so với năm mùa bóng trước, nhưng đã gây nhiều thất vọng ở giai đoạn hai V-League 2020. Ảnh: NGỌC DUNG.

Về nhì V-League 2020 như một thất bại của Hà Nội FC như thổ lộ của Quả bóng vàng Hùng Dũng và cũng là tâm trận của tất cả học trò Chu Đình Nghiêm. Ai cũng thấy sau trận cuối đại thắng chủ nhà Than Quảng Ninh 4-0, cầu thủ của bầu Hiển thất thểu với gương mặt buồn xo khi hay tin Viettel qua mặt Sài Gòn FC để đăng quang trên sân Thống Nhất.

Trong lúc đó, HA Gia Lai đá thua te tua ngay từ đầu lượt về, trận nào cũng để thủng lưới thường xuyên 3-4 bàn. HLV Nguyễn Văn Đàn lên thay thầy Hàn Lee Tae-hoon đã thử nghiệm đủ cách vẫn không thể cải thiện tình hình đội bóng.

Có lẽ nhờ trụ hạng sớm hơn dự kiến ở mùa này, sau năm mùa bóng chật vật lo rớt hạng, đội bóng của bầu Đức đá thoải mái và lơi lỏng hơn. Chính tiền đạo Văn Toàn đã tâm sự nhiều đồng đội của mình chơi chưa hết sức, một phần do tâm lý thỏa mãn khi đã chắc chắn trụ hạng.

HA Gia Lai chỉ có 3 điểm bỏ túi ở giai đoạn hai, so với 19 điểm của Hà Nội cùng trong nhóm các đội mạnh, đủ thấy năng lực chênh lệch một trời một vực. Hai lần chạm trán giữa họ, Hà Nội sân nhà thắng HA Gia Lai 3-0 và sân khách thắng 4-0, cho thấy cán cân nghiêng hẳn về một phía.

Hà Nội FC sau cơn khủng hoảng ở lượt đi đã nhanh chóng khôi phục đội hình tăng tốc trong lượt về...

... trái ngược với hoàn cảnh HA Gia Lai đá thua nhiều ở nhóm đội mạnh. Ảnh: ANH PHƯƠNG.

Thật lạ lùng HA Gia Lai đâu có thiếu cầu thủ giỏi, thậm chí là trụ cột trên các đội tuyển quốc gia suốt một thời gian dài. Những tiền vệ Tuấn Anh, Xuân Trường, hay hai biên của Hồng Duy, Văn Thanh, tiền đạo Văn Toàn, hoặc lứa Châu Ngọc Quang, Dụng Quang Nho, Thanh Hậu, lão tướng Anh Đức... đều là tài năng hiếm có. Tuyển thủ trong màu áo đội bóng phố núi không thua kém Hà Nội, nhưng tiếc cho họ thiếu một chút chín chắn của các cựu binh lão luyện dìu dắt, chưa may mắn có trụ cột ngoại thật chất lượng.

Ngược lại, Hà Nội sở hữu ba cầu thủ ngoại Omar, Rimario, Moses không quá đều đặn ra sân vẫn là những chỗ dựa đáng tin cậy. Các cựu tuyển thủ Văn Quyết, Thành Lương, hay Tấn Tài luôn thể hiện vai trò đàn anh với trình độ chuyên môn và một tinh thần trách nhiệm cao.

Hà Nội ở giai đoạn một không mạnh như ý muốn, do nhiều cầu thủ bị chấn thương, đặc biệt ở hàng thủ như Duy Mạnh và Đình Trọng. Hậu vệ Văn Hậu bận ngồi dự bị tại Hà Lan, còn một số vị trí khác như Quang Hải, hay sau đó Đức Huy chưa tìm lại phong độ cao vốn có. HLV Chu Đình Nghiêm bất đắc dĩ phải cho cầu thủ trẻ ra sân, với các hậu vệ Việt Anh, Văn Tới, Văn Xuân thời gian đầu chưa hòa nhịp tốt với đồng đội.

Văn Quyết và đồng đội chạy nước rút ở giai đoạn hai qua mặt tất cả, trừ mỗi Viettel. Ảnh: NGỌC DUNG.

Tuy nhiên, học trò ông Nghiêm càng về sau chơi càng hay. Những tài năng trẻ đủ sức gánh vác những lỗ hổng của các trụ cột để lại. Quang Hải tái xuất ngọt ngào ở tuyến giữa với sự trợ giúp của đàn anh Văn Quyết, Hùng Dũng, Tấn Tài. Họ ghi nhiều bàn thắng nhất (37 bàn) và lọt lưới ít nhất (16 bàn), nhưng tiếc là các pha tăng tốc ngoạn mục ở giai đoạn hai chỉ kịp vượt qua một số đối thủ lớn, trừ mỗi Viettel.

Giới chuyên môn vẫn nhìn nhận Hà Nội là đội bóng chơi tấn công hay nhất và có đội hình đồng đều, nhuần nhuyễn  nhất. Trở thành cựu vô địch V-League mùa này, thầy trò Chu Đình Nghiêm mùa sau đủ sức thách thức bất kỳ đội bóng nào trên đường đua về đích số một, có khi không cần đến quyền trợ giúp của các đội bóng thân quen.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm