Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định 70 năm qua, ngành ngoại giao Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trước kia cũng như sự nghiệp đổi mới, hội nhập và bảo vệ an ninh Tổ quốc hiện nay. Ngoại giao cũng góp phần to lớn trong việc củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh mới Việt Nam tiếp tục phải giải quyết nhiều vấn đề quan trọng và phức tạp về đối ngoại. Nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới đặt các thế hệ cán bộ ngoại giao hôm nay trước những yêu cầu mới.
Góp ý tại hội thảo, GS-TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhìn nhận với việc chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, chúng ta đã đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào thực chất.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng trong bối cảnh thế giới hiện nay phải bảo vệ lợi ích dân tộc nhưng cũng phải tạo ra quan hệ cả hai bên cùng tiến. Theo TS Doanh, cần phải đẩy mạnh ngoại giao qua Internet, ngoại giao Facebook. Bên cạnh đó, ông cũng nêu thực tế chúng ta chủ động trong ký kết nhưng bị động trong thực hiện vì thế không phát huy các lợi thế chúng ta giành được trên bàn đàm phán thành lợi thế thực chất của nền kinh tế và đất nước.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan mong muốn ngoại giao nước ta phải sòng phẳng về mối quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc. “Trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cần phải sòng phẳng với lịch sử, sòng phẳng với hiện tại. Nếu không sẽ là trở ngại rất lớn trong phát triển. Họ giúp ta làm gì và họ đang làm gì. Người dân cần phải hiểu rõ…” - bà Lan nói. Bà Lan cũng cho rằng cần phải làm tốt hơn nữa công tác hòa hợp dân tộc. “Chúng ta đã thoát ra khỏi chiến tranh mấy chục năm rồi mà chưa thật sự có hòa hợp dân tộc kể cả trong nước lẫn người Việt ở nước ngoài. Không hòa hợp được dân tộc, không đoàn kết được với nhau để phát triển tương lai thì rất khó đi lên” - bà Lan nói.