DICK HUGHES - NGƯỜI ANH LỚN CỦA TRẺ ĐƯỜNG PHỐ VIỆT NAM - BÀI 2

Ngôi nhà cho trẻ bơ vơ

Không lâu sau khi đến VN, Dick Hughes cùng một người bạn Mỹ thuê căn nhà số 195 Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. Hằng ngày, anh và người bạn phóng viên của mình lang thang khắp các đường phố, tìm gặp những đứa trẻ bụi đời và nói với chúng rằng nếu cần một chỗ để ngủ, để ăn và tắm giặt thì hãy đến nhà họ… Nhưng ngày qua ngày, không đứa trẻ nào đến gõ cửa… Có lẽ, sự cảnh giác và nhất là những lần bị hắt hủi, xua đuổi đã khiến chúng không dễ dàng đặt niềm tin vào người khác, đặc biệt là với một người ngoại quốc xa lạ. Không nản lòng, Dick lại tiếp tục chuỗi ngày rong ruổi trên các vỉa hè. Anh đến nơi chúng làm việc, trò chuyện với chúng, lắng nghe chúng...

Nhà số 195 Phạm Ngũ Lão

Rồi một ngày, cánh cửa ngôi nhà số 195 Phạm Ngũ Lão chợt rung bần bật. Lũ trẻ đến. Chúng chào hỏi Dick một cách thân thiện: “Xin chào, khỏe không anh Dick?” và xin được tắm nhờ. Dick Hughes nhớ lại: “Sau khi chúng tắm thì nước tràn ngập khắp sàn. Bọn trẻ trèo lên cả cửa sổ, tôi phải kéo chúng xuống. Hôm đó, chúng ngủ đêm đầu tiên ở nhà tôi. Đó là điểm khởi đầu hạnh phúc của dự án Phạm Ngũ Lão”.

11 đứa trẻ và hai anh chàng người Mỹ đã sống với nhau như một gia đình thật sự. Trong ngôi nhà này, lũ trẻ được ăn, được ngủ và được yêu thương. Họ chia sẻ cùng nhau nhiều thứ, lắng nghe những câu chuyện không đầu không cuối, chơi đùa và ngủ cùng nhau, sáng ra chào nhau trước khi đi làm. Nhưng bọn trẻ vẫn tiếp tục những trò thử thách với Dick Hughes. Chúng muốn biết anh có thật lòng với chúng không. Mỗi ngày trôi qua, Dick Hughes lại nỗ lực không ngừng để hòa đồng với chúng, cố gắng xóa bỏ những khác biệt về văn hóa, xã hội...

Ngôi nhà số 195 Phạm Ngũ Lão đã trở thành nơi đặt nền móng cho sự ra đời của một dự án lớn: Dự án Phạm Ngũ Lão - hỗ trợ trẻ em đường phố VN.

Ngôi nhà cho trẻ bơ vơ ảnh 1

Dick Hughes trò chuyện với những đứa trẻ bụi đời.

Một tối về nhà, Dick Hughes thấy lũ trẻ đang đánh nhau. Anh lôi Thanh - đứa trẻ bị đánh - ra khỏi lũ trẻ. Thanh giãy giụa, cố gắng tìm cách thoát khỏi tay anh, nước mắt không ngừng tuôn. Dick cảm thấy bất lực vì không thể an ủi Thanh. Không biết nói tiếng Việt, anh chỉ biết cố gắng giữ chặt đứa em trong vòng tay, cố lau nước mắt cho Thanh. Và anh chợt nhận ra rằng, những đứa em của anh cần phải được quay trở về với cuộc sống của những người Việt.

Trong ngôi nhà Phạm Ngũ Lão, Dick Hughes đã nhìn thấy những đứa trẻ ngày một khôn lớn. Nhưng anh cũng nhận ra rằng trong sâu thẳm, chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ non nớt. Chiến tranh đã đẩy chúng ra ngoài xã hội, làm tan vỡ những ước mơ và hy vọng, khiến chúng bị hắt hủi và luôn có cảm giác sợ hãi khi phải cố gắng thay đổi cuộc đời của chính chúng. Dick nhận ra nếu thật sự thương yêu chúng thì anh buộc phải rời xa chúng. Nếu cứ bảo bọc như thế, anh chỉ có thể cho chúng tình yêu thương, cho chúng ăn, cho chúng chỗ ngủ nhưng không thể thay đổi cuộc đời chúng.

Sau năm đầu tiên, Dick Hughes không còn ở chung với lũ trẻ mà chuyển sang một ngôi nhà khác cách đó vài căn. Anh đi vận động, kêu gọi những người VN đến chăm sóc và dạy dỗ bọn trẻ còn anh đứng sau để chu cấp và bảo trợ cho họ. Dick Hughes kể: “Khi tôi rời khỏi ngôi nhà Phạm Ngũ Lão, mọi việc vẫn được tiếp tục bởi những bạn sinh viên VN và được quản lý bởi cộng đồng người Việt gồm: luật sư, người làm công tác xã hội và cả những nhóm xã hội. Họ mở thêm nhiều ngôi nhà nữa sau ngôi nhà đầu tiên ở Phạm Ngũ Lão. Họ đã giúp tôi đưa các em trở lại với các gia đình VN, điều mà các dự án khác chưa bao giờ làm được”.

Năm 1970, Dick Hughes mở một văn phòng nhỏ, được gọi là Cơ quan bảo trợ trẻ bơ vơ nhằm gây quỹ để giúp chương trình hoạt động. Còn những người bạn VN của anh thì sáng lập và điều hành Chương trình trợ giúp thiếu niên sống ngoài hè phố - (dự án Phạm Ngũ Lão) một chương trình được nảy nở từ chính căn nhà Phạm Ngũ Lão, căn nhà đầu tiên của trẻ em bơ vơ.

Mở rộng vòng tay

Trên danh nghĩa một nhà báo, Dick đã tới nhiều vùng chiến sự và tận mắt chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh. Mỗi bước chân đi qua, anh lại nhìn thấy ngày càng nhiều những đứa trẻ lang thang. Anh lo lắng và luôn bị ám ảnh rằng liệu chúng có chỗ trú chân khi đêm về, liệu chúng có bị tống vào nhà giam hay trại tế bần? Căn nhà nhỏ ở Phạm Ngũ Lão đã không thể đủ chỗ trú chân cho tất cả lũ trẻ…

Để dự án tồn tại, Dick Hughes làm việc cật lực gần như 24 giờ mỗi ngày và bảy ngày một tuần vì anh biết rằng, mỗi phút giây lãng phí thì những đứa em sẽ phải chịu thiếu thốn và đói khát. Nỗ lực không ngừng nghỉ của Dick Hughes cuối cùng cũng được nhiều người biết đến. Báo chí trong và ngoài nước bắt đầu viết về chương trình trợ giúp thiếu niên sống ngoài hè phố của Dick… Suốt tám năm Dick Hughes ở VN, dự án Phạm Ngũ Lão đã đón nhận và bảo trợ cho khoảng 2.000 trẻ em đường phố VN. Lúc nào cũng có khoảng 300 em trú tại sáu trung tâm ở Sài Gòn cùng hai ngôi nhà ở Đà Nẵng.

Gia đình và những người bạn của Dick Hughes đã vận động một số nhà hoạt động xã hội cùng thành lập Quỹ Shoeshine Boy Foundation ở New York để hỗ trợ cho dự án. Về những tình nguyện viên của quỹ, Dick nói: “Họ đã làm những chiếc áo phông in câu: Giúp đỡ Dick Hughes ở quê nhà của tôi, Pittsburgh. Họ làm một số quảng cáo trên báo, tạp chí. Họ tin rằng nhớ về một người, một cái tên sẽ dễ dàng hơn giữa rất nhiều những yêu cầu giúp đỡ khác”. Hơn 18.000 người trên khắp thế giới đã hưởng ứng những lời kêu gọi của quỹ và cùng Dick Hughes duy trì dự án, giúp trẻ lang thang VN có được một mái ấm. Rất nhiều học sinh Mỹ đã biết đến Dick Hughes nhờ Quỹ Shoeshine Boy Foundation…

Học được nhiều từ lũ trẻ

Rất nhiều lần những đứa trẻ đường phố đã nói với Dick Hughes bằng thứ tiếng Anh bồi mà chúng học được, rằng: “Anh Dick, quên tụi em đi, không đáng để bị tổn thương vì tụi em đâu. Trẻ bụi đời chỉ là con số 0”.

“Mất nhiều tháng và nhiều nước mắt, tôi mới hiểu được rằng những đứa trẻ muốn được đối xử như những người đàn ông…” - Dick Hughes đã chia sẻ như thế khi nhiều người hỏi anh vì sao có thể quản lý được số đông trẻ bụi đời bất trị. Anh biết chúng khao khát tình thương yêu và cư xử theo “đạo nghĩa giang hồ”. Vì thế, anh không bao giờ la rầy hay đánh mắng mà luôn kiên nhẫn, bao dung và gương mẫu tạo lập một hình tượng về sự sạch sẽ, lòng chân thành và trọng danh dự. Anh luôn biết cách quan tâm đúng mức và lắng nghe những đứa trẻ kể về mọi chuyện. Anh giữ chúng bằng tình yêu thương và đưa chúng ra khỏi nỗi tuyệt vọng trên đường phố. Vì thế, trẻ bụi đời đã tin tưởng Dick Hughes và yêu quý anh như người anh trong gia đình. Từ tin, yêu, chúng lắng nghe và làm theo lời của Dick Hughes. Anh nói rằng, chúng cần phải có trách nhiệm với ngôi nhà của chính chúng. Thế là chúng sơn phòng, sửa ghế gãy, lau nhà, rửa chén… Anh muốn thấy chúng sống trong những ngôi nhà ấy như một gia đình, được nuôi dưỡng và chăm sóc, giáo dục cho tới khi có đủ kỹ năng để sống tốt…

Qua thế giới trẻ thơ thu nhỏ quanh mình, Dick hiểu thế nào là nỗi đau chiến tranh, là tình cảm gia đình, bạn bè và nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống. Một đứa em mà Dick Hughes đã rất muốn gặp lại sau này là em Quý. Dick bày tỏ: “Khi tôi về Mỹ để kiếm thêm tiền cho dự án, Quý đưa tôi một lá thư bằng tiếng Anh, cho dù chưa bao giờ đi học, viết rằng: “Em nghĩ anh nên đi thăm gia đình mình. Em nghĩ anh nên chăm sóc cho anh chị em của anh. Em nghĩ anh nên dành thời gian cho bản thân mình. Em muốn nói với anh rằng, người mà tất cả tụi em nhớ, tất cả trẻ em ở VN nhớ, đó là anh”…

Những đứa trẻ đã khiến anh thôi mơ mộng nhiều về tương lai và bắt đầu sống cho từng khoảnh khắc. Với Dick Hughes, chúng là những đứa trẻ dũng cảm, chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn nhưng vẫn không lúc nào thôi cố gắng vươn lên. Anh đã học được cách sống lạc quan, nghị lực và khả năng tự quyết định cuộc đời mình từ chúng. Anh cũng tập mở lòng mình, để có được sự tĩnh tâm, một điều mà anh chưa hề biết đến trước đó.

LÊ PHONG LAN

Kỳ sau: Ngày trở lại

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm