‘Người dân muốn nhận lương hưu chỉ có tham gia BHXH’

“Trăn trở trước những gia đình khó khăn chẳng may bị ốm đau, đi viện chi phí có khi lên tới cả tỉ đồng vì không bảo hiểm y tế, và nhiều người về già không có lương hưu phải lao động mưu sinh, sống dựa vào con cháu, tôi đã tìm cách lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình…”.

Chị Trần Thị Minh Thịnh, chuyên viên BHXH huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên), chia sẻ như trên về công việc “truyền lửa” đưa chính sách bảo hiểm đến với người dân.

Nguồn quỹ an toàn được nhà nước bảo hộ

Theo chị Trần Thị Minh Thịnh, năm 2018 mặc dù ngành đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình khá thấp. Toàn tỉnh Hưng Yên mới có 86,64% dân số tham gia BHYT, hơn 28% người dân tham gia BHXH. Trong đó, số người dân tham gia BHXH tự nguyện mới đạt 1.384 người.

Chị Trần Thị Minh Thịnh đang tư vấn chính sách bảo hiểm cho người dân. Ảnh: T.TRANG

Vì vậy, chị Thịnh tìm mọi cách để lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với người dân. “Dù công việc chuyên môn rất bận rộn nhưng tôi vẫn dành thời gian cuối tuần, ngoài giờ hành chính để tuyên truyền chính sách bảo hiểm đến những người làm nghề lao động tự do, giúp họ hiểu và tham gia...”- chị Thịnh chia sẻ.

Tuy nhiên, để làm được như trên, chị Trần Thị Minh Thịnh đã vạch ra cho mình những cách thức, phương pháp hữu hiệu nhất. Chẳng hạn, trước khi tiếp xúc với người dân, chị luôn chuẩn bị kỹ các nội dung tư vấn, trong đó phải nêu bật được tính ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội. Song song đó, xác định đối tượng tư vấn và nắm bắt gia cảnh thu nhập của họ để tư vấn mức đóng phù hợp.

“Làm sao để giúp họ hiểu tham gia BHXH tự nguyện là một quyển sổ tiết kiệm an toàn nhất cho tương lai. Quỹ hưu trí là nguồn quỹ an toàn nhất chỉ sau Ngân sách nhà nước vì được Nhà nước bảo hộ. Và lương hưu, duy nhất do quỹ BHXH chi trả, không có hình thức bảo hiểm nào tham gia để được lương hưu ngoài BHXH”- Chị Thịnh nói.

Điểm quan trọng dẫn đến thành công nữa được chị Thịnh nhắc tới là phải đặt ra mục tiêu cho công việc, “đam mê” với công việc. Bởi vì niềm đam mê sẽ giúp bản thân chị suy nghĩ nghiêm túc về việc tư vấn BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình là việc lan tỏa chính sách an sinh xã hội, đem đến giá trị nhân văn cho nhiều người. Đam mê ấy cũng giúp chị học hỏi, chia sẻ, hướng tới tư duy tích cực để hoàn thành các công việc với tâm trạng vui vẻ, thoải mái.

Cũng chính vì những điều trên, năm 2019, chị đã vận động được 185 người tham gia BHXH tự nguyện, gấp 15,4 lần chỉ tiêu phong trào thi đua năm 2019 do Giám đốc BHXH tỉnh Hưng Yên phát động. Đồng thời, góp phần nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện của toàn huyện Ân Thi lên 1.391 người (tăng 6,6 lần so với năm 2018) và toàn tỉnh là 8.730 người (tăng 6,3 lần so với năm 2018), đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong công tác tuyên truyền và vận động người dân.

“Niềm đam mê, tâm huyết của tôi đã lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều đồng nghiệp, nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT trên địa bàn… Họ tiếp tục cùng tôi tích cực “truyền lửa” để đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân...”- chị Thịnh chia sẻ.

Không để người tham gia BHXH nhận BHXH một lần

Nhớ lại năm 2018, ông Phan Văn Rí, Giám đốc BHXH huyện U Minh, BHXH tỉnh Cà Mau, cho biết số người tham gia BHXH tự nguyện lúc đó là 243 người, chiếm 0,24% dân số của huyện. Tỉ lệ người tham gia BHXH tự nguyện của huyện cũng rất thấp do công tác tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng dân cư gặp rất nhiều khó khăn.

Trăn trở với kết quả trên, bản thân ông đã nghiên cứu, tìm hiểu các phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân của các vị lãnh đạo qua các thời kỳ cách mạnh để tham khảo, học tập.

Ông Phan Văn Rí nói về cách làm hiệu quả của việc tuyên truyền chính sách bảo hiểm đến tận ấp, khóm. Ảnh: T.TRANG

“Suy cho cùng, bản thân tôi nhận thấy, để tuyên truyền, vận động người dân hiệu quả thì phải bám sát đối tượng và tuyên truyền trực tiếp tại từng ấp, khóm. Với phương châm đó, tháng 3-2019, với cương vị của mình tôi đã chủ động phối hợp với Bưu điện huyện, UBND xã Khánh Thuận xây dựng kế hoạch tuyên truyền, triển khai BHXH tự nguyện tại địa bàn các ấp, khóm…”- ông Rí cho hay.

Kết quả, sau bốn ngày triển khai tại 15 ấp của xã Khánh Thuận đã có khoảng 230 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 1,5% số nông dân và lao động khu vực phi chính thức của xã.

Từ kết quả đó, BHXH huyện tiếp tục chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn còn lại trong huyện và Bưu điện huyện để triển khai. Tính đến ngày 30-10-2019, phương pháp tuyên truyền đó đã được thực hiện tại tất cả xã, thị trấn… Vận động được 1.463 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 1,46% số nông dân và lao động khu vực phi chính thức của huyện, tăng 1.218 người so với cuối năm 2018 (bình quân mỗi tháng tăng 121 người).

Tính hết tháng 8-2020, toàn huyện có thêm 900 người tham gia mới, nâng tổng số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện là 2.296 người, chiếm 2,27% số nông dân và lao động khu vực phi chính thức của huyện, tăng 1.794 người so với cuối năm 2018, tăng 751 người so với cuối năm 2019 (bình quân mỗi tháng tăng 150 người).

Bên cạnh việc vận động, phát triển được người dân tham gia BHXH tự nguyện, ông Phan Văn Rí, Giám đốc BHXH huyện U Minh, cho rằng mỗi cán bộ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ người dân, để họ nhận thấy được chính sách BHXH, BHYT là chính sách ưu việt của Đảng và nhà nước.

“Đặc biệt, chúng ta phải luôn tạo thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho người dân để họ được hưởng quyền lợi BHXH, BHYT theo đúng quy định. Chẳng hạn như hướng dẫn và hỗ trợ người dân cấp đổi thẻ BHYT, giải quyết các chế độ BHXH, BHYT theo quy định... Cố gắng làm sao không để đối tượng dừng đóng hay lựa chọn nhận BHXH một lần để lo trước mắt mà mất đi quyền lợi lâu dài…”- ông Rí chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm