Bảng chỉ dẫn tại phường Lái Thiêu (thị xã Thuận An, Bình Dương cũng đã che kín phần chỉ đường lên cầu Phú Long cũ
Theo Bà Tư Xuyến (60 tuổi, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Bình Dương) Ngay từ sáng sớm những công nhân đã lập rào chắn công trình, bố trí người hướng dẫn cho các phương tiện lưu thông qua hướng cầu Phú Long mới và tiến hành đưa máy móc lên cầu để tiến hành công tác tháo dỡ.
Tuy đã được thông báo trước cả tháng nhưng rất nhiều người vẫn lưu thông qua đây và đều phải quay lại đi vòng sang đường cầu Phú Long mới.
“Thấy công nhân lập rào chắn để tháo dỡ cầu, tự nhiên tôi thấy nặng trĩu, tôi như cảm thấy thứ gì đó quý giá của đời mình bị mất đi. Từ khi tôi sinh ra đã có cây cầu này rồi, kỷ niệm một thời và những thăng trầm cuộc đời đều gắn bó với nó. Giờ dỡ cầu đi, tôi và những người dân ở đều đều tiếc nuối”, bà Tư Xuyến chia sẻ.
Từ sáng sớm bà Tư Xuyến đã chỉ đường cho rất nhiều người đi qua đây khi cầu Phú Long cũ bị chặn để phục vụ công tác tháo dỡ
Ông Trương Văn Kiêm (69 tuổi, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Bình Dương) cũng cảm thấy tiếc nuối khi cây cầu hơn 100 năm tuổi, gắn bó với ông từ lúc sinh ra đến già bị tháo dỡ.
Cầu Phú Long cũ được xây dựng từ thời Pháp vào năm 1913, cầu có chiều dài hơn 251 mét, được xây dựng toàn bộ bằng dàn thép Eiffel, nối quận 12 (TP.HCM) và thị xã Thuận An (Bình Dương). Sau thời gian dài hoạt động do mặt cầu hẹp, tĩnh không thông thuyền thấp và trong tình trạng xuống cấp nên không đáp ứng được nhu cầu di chuyển của các phương tiện.
Nhiều người dân đi ngang qua đây cũng chụp hình lại để lưu giữ làm kỷ niệm
Bên cạnh đó, trong chiến tranh cầu bị sập nhiều lần và được phục hồi lại với mặt cầu một phần bằng bê tông, một phần mặt sắt. Hiện cầu đã xuống cấp nặng, chỉ cho người đi bộ và xe hai bánh lưu thông.
Đơn vị thi công tháo dỡ nhưng bộ phần đầu tiên của cầu Phú Long cũ trong ngày 20-4
Trong khi đó, cầu Phú Long mới thay thế cầu cũ đã đi vào hoạt động từ năm 2012, cầu có chiều dài hơn 1.400 mét, có chiều rộng mặt cầu 26 mét với sáu làn xe, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Rất nhiều nhiếp ảnh gia và phóng viên đã đến chụp hình lại cây cầu hơn 100 năm tuổi trong ngày đầu tháo dỡ
Việc tháo dỡ cầu Phú Long cũ sẽ phát huy tiềm năng giao thông đường thủy, kết nối giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần giảm áp lực về giao thông đường bộ hiện nay, góp phần phát triển kinh tế vùng.
Vì cây cầu có tính lịch sử nên dự kiến sau khi tháo dỡ một phần kết cấu của cầu sẽ được Bảo tàng TP.HCM lưu giữ.