Chiều 17-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã làm việc với UBND TP về tình hình kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 98/2023, Nghị quyết 57/2022 của QH.
Tại hội nghị, ĐBQH TP.HCM nêu vấn đề về tình trạng ngập nước đang được nhiều cử tri quan tâm.
ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho biết việc chống ngập tại TP vẫn đang gây nhiều bức xúc, cần đẩy nhanh tiến độ dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, vì nguy cơ càng để lâu thì càng đội vốn. "Cần đặt ra mục tiêu từ đây đến cuối năm 2023 có giải quyết dứt điểm việc này không?" - ĐB Nhân nói.
Gửi gắm một số nỗi lo của cử tri TP, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói khi nhìn lại quá trình phát triển TP.HCM, cử tri vẫn ước mơ chừng nào TP được như các đô thị xung quanh, hết ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm và trật tự, mỹ quan đô thị đảm bảo...
Theo ĐB Nghĩa, TP.HCM làm ra rất nhiều tiền cho đất nước; nhìn chung về tài chính, tiện nghi, ăn uống của người dân có nâng lên nhưng để là một đô thị đáng sống, khách nước ngoài vào tham quan, chiêm ngưỡng thì vẫn cần phải làm rất nhiều điều. Ông dẫn chứng phần sạch đẹp, trật tự đang bị thu hẹp, thay vào đó "bây giờ chỗ nào cũng xào xáo, buôn bán, xâm chiếm, chật chội, mất vệ sinh”.
Ông Nghĩa cũng nhìn nhận vấn đề ngập nước đang khiến người dân mệt mỏi, đặc biệt là hàng trăm ngàn người lao động cao cấp.
“Đi xe hơi mà ngập nước, ở nhà biệt thự, villa mà ngập nước là không được" - ĐB Nghĩa nói cho cho hay ở các nước phát triển, kẹt xe như vậy sẽ được quy ra tổn thất bao nhiêu tiền, nếu chúng ta quy ra thì sẽ tốn rất nhiều tiền.
ĐB Nghĩa cũng bày tỏ mong muốn TP.HCM trở thành một trung tâm du lịch. “Trong 10 năm qua, chúng ta đã làm gì để TP.HCM trở thành một TP như mong muốn” – ĐB Nghĩa đặt vấn đề và nói TP muốn làm du lịch thật sự thì phải là trung tâm mua sắm cao cấp, phải là nơi để tham quan, du lịch cao cấp, để khách du lịch đến TP.HCM phải “xài tiền nhiều, ở lại lâu và quay trở lại”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa đánh giá TP có nguồn nhân lực mạnh. Về nguồn nhân lực thừa hành, ông cho rằng lâu nay giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành; trưởng, phó phòng làm việc nhiều nhưng chưa có điều kiện được đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn. Việc vướng vào các sự vụ hàng ngày, cùng với mối quan hệ gia đình khiến trình độ đào tạo “giậm chân tại chỗ” trong 10 năm, trong khi nhiệm vụ thì không “giậm chân”.
Ông đề nghị có thể thực hiện đào tạo ngắn hạn 1-3 tháng đối với lực lượng này và hướng vào đào tạo chuyên sâu đúng cái họ đang thiếu.
Về nguồn nhân lực tham mưu, ĐB Nghĩa cho biết TP có nguồn lực chuyên gia rất lớn với nhiều người rất giỏi, xuất sắc của quốc tế nhưng TP chưa tập hợp được. Đồng thời, công tác tham mưu không nên theo hướng một chiều mà cần tham mưu theo kiểu ma trận “SWOT” với việc làm rõ cả bốn vấn đề là điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ, nguy cơ.
“Nhiều người chỉ tham mưu chữ S và chữ O, tức đề ra gì cũng ủng hộ” – ĐB Nghĩa nói và dẫn chứng TP có bài học từ các vấn đề ở Thủ Thiêm, đường sắt đô thị, chống ngập… Đến nay người dân TP vẫn rất buồn phiền vì dù đã tốn hàng chục tỉ đồng chống ngập trong 20 năm qua nhưng tình trạng ngập vẫn còn đó. Do vậy, TP phải nghiên cứu huy động lực lượng chuyên gia tham mưu cho TP.
Theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay có tình trạng các sở xin ý kiến lẫn nhau, các bộ cũng xin ý kiến lẫn nhau gây phiền hà vì có trường hợp trả lời không đúng hạn, thậm chí không trả lời.
Ông đề nghị UBND TP.HCM cần chỉ đạo các sở báo cáo về tình trạng trả lời của sở mình đối với các văn bản sở khác gửi đến xin ý kiến.
“Mình trả lời như thế nào, bao nhiêu % trả lời, bao nhiêu % quá hạn, bao nhiêu % không trả lời” – ĐB Nhân nói và cho rằng đây là vấn đề liên quan đến người dân, doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh phải hỏi nhiều lần sở mới trả lời…