Ông là Lê Khoan (ngụ phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), người đã đóng chiếc tàu ĐNa-90152 vừa bị Trung Quốc đâm chìm trên biển Hoàng Sa hôm 26-5.
Những con tàu do ông đóng đang xuôi ngược đánh bắt trên khắp các vùng biển Hoàng Sa-Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi con tàu vượt sóng ra khơi lại mang theo bao niềm hân hoan, hy vọng của người thợ hơn 40 năm gắn bó với nghề.
Bí quyết gia truyền
Sinh ra trong gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghề đóng tàu ở làng Điện An (Điện Bàn, Quảng Nam), từ nhỏ ông Khoan đã cắp thước, mực theo cha là ông Lê Hát đi học nghề đóng tàu thuê khắp các cảng từ Thuận An (Thừa Thiên-Huế) đến Hội An (Quảng Nam). “Trước năm 1975, cha và ông nội tôi là hai thợ đóng tàu có tiếng ở miền Trung. Qua nhiều năm bôn ba, ông về làm thợ chính ở cảng đóng, sửa tàu Cồn Khoai (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà)”. Ông Khoan nói tiếp, hồi đó chỉ mới đóng các loại tàu nhỏ, đánh bắt gần bờ, từ năm 1982 trở lại đây mới bắt đầu đóng tàu lớn vươn khơi xa. Những kinh nghiệm, bí quyết đóng tàu tích lũy qua nhiều năm được hai người truyền thụ lại cho ông Khoan.
Ông Khoan trực tiếp đóng, sửa những con tàu về từ Hoàng Sa. Ảnh: TT
“Nghề đóng tàu rất khó học, người thợ phải tự mày mò tìm hiểu và thực hành thuần thục các thao tác. Ngày mới vào nghề chỉ được làm các việc lặt vặt như đóng chốt, khoan, cưa xẻ… sau đó mới làm những khâu khó hơn” - ông tâm sự. Hầu hết con tàu đi biển của ngư dân được đóng theo tư duy thiết kế của người thợ chứ không có bất kỳ một bản vẽ kỹ thuật nào. “Khách hàng chỉ đưa ra các yêu cầu như chiều cao, chiều dài, diện tích các khoang… Còn mẫu mã, chất lượng, thiết kế đều do một tay thợ cả đảm nhận. Do đó mỗi con tàu lại có một thiết kế riêng, khác biệt từ cabin đến mũi ghe. Chính nó tạo ra sự khác biệt về “đẳng cấp” trong nghề đóng tàu”. Các loại gỗ dùng để đóng tàu biển gồm kiềng kiềng, lim, sò. Sau này, khi các loại gỗ trên dần cạn kiệt, cánh đóng tàu phải chuyển sang dùng các loại gỗ khác với chất lượng kém hơn như sao, sến, bô bô… Các loại gỗ này cũng phải nhập khẩu từ Lào hoặc Indonesia về.
Ông Khoan chia sẻ, nghề đóng tàu có những bí quyết gia truyền riêng mà không phải ai cũng được học. Gia đình có năm người con nhưng ông Khoan chỉ chọn ra hai cậu con trai là Lê Thanh Quang và Lê Thanh Vân để truyền nghề. “Không phải mình nhỏ nhen, không truyền nghề cho người ngoài mà quy định này có từ đời cha, đời ông. Muốn giữ được nghề thì phải tuân thủ. Để đóng được những con tàu lớn, đẹp và bền thì người thợ phải có tính kiên trì, tỉ mỉ. Không phải ai học nghề cũng trở thành thợ giỏi mà cần có cái duyên”. Giữa cái nắng như đổ lửa của miền Trung những ngày tháng 6, ông Khoan cẩn thận chỉ cho anh Quang và Vân từng “ngón nghề độc” trong kỹ thuật đóng tàu biển. Những tấm gỗ được bào phẳng lỳ, uốn cong tạo thành khung sườn cho một chiếc tàu cá mới.
Con tàu ĐNa-90152 vẫn nằm trên đà ở xưởng đóng tàu Bắc Mỹ An (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chờ quyết định có vào bảo tàng hay không. Ảnh: TT
Xót xa nhìn tàu bị đâm hỏng
Ít ai biết rằng, ông là người đã đóng chiếc tàu mang số hiệu ĐNa-90152 vừa bị tàu Trung Quốc (TQ) đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa. Ngay khi nghe tin dữ, ông đã không kìm nổi bức xúc. 12 năm trước, chính tay ông cùng nhóm bạn thợ đã làm việc ngày đêm để đóng con tàu này. Tâm huyết bao năm cùng kỹ thuật đóng tàu gia truyền được dồn vào từng chi tiết, đường nét trên con tàu. “Hồi đó, nó là một trong những tàu cá lớn nhất nhì Đà Nẵng, đủ sức ra Hoàng Sa rồi xuống Trường Sa. Ngày hạ thủy, anh em rất tự hào. Cứ nghĩ con tàu sẽ tung hoành trên biển, ai ngờ…”. Nhìn những vết đâm thủng trên thân tàu, ông Khoan chua xót nói: Con tàu bị đâm bởi một lực rất mạnh. Toàn bộ phần thân tàu bị rạn nứt, các khớp nối bị bong ốc. Loại gỗ đóng tàu ĐNa-90152 cũng là hai loại gỗ quý nhất hồi đó gồm lim và kiềng kiềng được gia cố vững chãi. Nó có thể chịu đựng lực va chạm lớn hơn các loại gỗ thông thường khác. Nhưng với một cú đâm trực diện khiến lớp gỗ dày bộc bên ngoài cũng bị xuyên thủng.
“Hầu hết chi tiết trên tàu đều được làm chủ yếu bằng dụng cụ thô sơ như đục, khoan tay, cưa, bào… nên rất chắc chắn. Tôi cùng nhóm thợ gần 10 người phải làm cật lực trong bốn tháng mới hoàn thiện. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, bảo đảm an toàn chất lượng mới cho hạ thủy”. Ông cho biết thêm, nếu con tàu không bị đâm hỏng thì có thể sử dụng được thêm 10 năm nữa. “Tiếc là con tàu bị đâm chìm, không thể khôi phục được nữa. Nếu cố gắng sửa chữa, gia cố lại cũng chỉ dùng đi đánh bắt gần bờ, không chịu nổi sóng lớn. Tôi nghĩ nên giữ lại con tàu, trưng bày ở viện bảo tàng để tố cáo hành vi vô nhân đạo của TQ”.
Sẽ tiếp tục đóng tàu lớn
Nói về những dự định sắp tới, ông cho biết sẽ tiếp tục đóng những con tàu lớn cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Cơ sở của ông là một trong những thành viên chủ chốt của HTX Trục vớt, đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An. “Trong khi chúng ta chưa đủ kinh phí để đóng những con tàu sắt trị giá hàng tỉ đồng thì vẫn cần đến những tàu gỗ chắc chắn, bền vững để ngư dân bám biển. Còn về lâu dài thì tàu sắt sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn, an toàn hơn”. Thời gian qua ông đã đóng và hạ thủy hàng chục tàu cá công suất lớn, được liệt vào dạng “có máu mặt” ở ngư trường Hoàng Sa. Khách hàng của ông trải khắp từ Quảng Trị đến Quảng Nam.
Trong năm 2011, ông đã hoàn thành bốn chiếc tàu mới cho ngư dân Cửa Việt (Quảng Trị). “Ngoài con tàu ĐNa-90152, tôi còn đóng cho ông Trần Văn Vốn tàu ĐNa-90508 công suất gần 800 CV, hạ thủy hồi năm 2013. Chính tàu này đã kịp thời có mặt và cứu nạn cho các thuyền viên trên tàu ĐNa-90152 bị chìm”. Ông Khoan cho biết do giá nhân công tăng cao, các loại gỗ tốt để đóng tàu biển trở nên khan hiếm khiến nghề đóng tàu gặp nhiều khó khăn. “Để đóng một chiếc tàu mới phải bỏ ra cả tỉ đồng nhưng lời lãi không được bao nhiêu. Nếu làm dối thì trái với lương tâm nghề, còn làm đàng hoàng thì chỉ có lỗ. Nhiều cơ sở chuyển hẳn sang lĩnh vực sửa chữa tàu biển chứ không đóng mới”. Tuy nhiên, ông Khoan khẳng định sẽ tiếp tục đóng những chiếc tàu lớn để giữ nghề của cha ông truyền lại.
Những ngày qua, cơ sở của ông Khoan liên tiếp đón nhận nhiều tàu cá từ Hoàng Sa về sửa chữa, gia cố. Hầu hết tàu này đi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa-Trường Sa bị tàu TQ ngăn chặn, tấn công gây hư hỏng. Ông đã huy động 100% nhân lực, trang thiết bị, vật liệu của xưởng tập trung sửa chữa cho các tàu kịp ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền. Trên mỗi con tàu, ông đều chú ý gia cố chắc chắn phần vỏ, mũi để nâng cao khả năng chịu va đập. “Từ ngày TQ kéo giàn khoan xuống xâm phạm vùng biển, ngư dân bị truy đuổi, đánh đập, tịch thu ngư lưới cụ nên hầu hết chuyến biển đều phải bù lỗ”. Biết vậy nên hầu hết tàu thuyền của ngư dân vào sửa, ông sẵn sàng sửa giúp, chỉ lấy tiền công chiếu lệ.
TẤN TÀI