Tất tả dọn dẹp lại đóng đổ nát sau cơn lũ dữ, anh Hoàng Văn Tâm (thôn Long Châu, xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) cười xòa khi có người nhắc đến câu chuyện mấy đêm về trước...
Hai cha con vượt lũ, cứu người
Xúc những lớp bùn dày mắc kẹt trên tường nhà, anh Tâm kể khoảng gần 22 giờ đêm 14-10, nước lũ đã tràn ngập và phủ kín gần hết xã Phù Hóa. Mọi con đường dẫn vào thôn xóm đều bị phong tỏa. Những trận mưa lớn liên tiếp khiến con nước lũ càng trở nên hung hãn, chảy xiết. Người dân trong làng đã di tản lên các nóc nhà để trú tránh.
Thấy lũ lớn, anh Tâm quyết định đưa cả gia đình bốn người rời nhà lên hai chiếc thuyền gỗ dùng đi đánh cá để tránh lũ. “Vừa chuyển cả nhà lên thuyền thì tôi nhận được điện thoại của các anh trên xã kêu đi cứu người chứ tình hình gấp lắm rồi. Tôi bật dậy gọi con trai (Hoàng Văn Nam, sinh năm 1998 - PV) cùng chèo thuyền đi” - anh Tâm kể lại.
Thấy chồng và con trai tất tả chèo thuyền đi trong đêm, chị Hiền (vợ anh Tâm) lòng như lửa đốt. “Lúc hai cha con chèo thuyền đi trong lũ, tôi cũng đắn đo, lo lắng vì nước chảy quá xiết. Nhưng rồi cũng để chồng và con đi. Hai người đi rồi tôi sốt ruột lắm! Chỉ sợ xảy ra chuyện không may” - chị Hiền chia sẻ.
Anh Tâm vẫn lặng thầm với công việc chài lưới của mình.
Đêm đó, hai cha con anh Tâm mò mẫm chèo thuyền suốt gần một giờ sau mới đến được UBND xã. Sau đó, hai công an huyện và xã lên thuyền anh Tâm cùng đến những nhà có người mắc kẹt trong lũ để giúp đỡ.
Trong đêm lũ dữ ấy, anh và con trai đã cứu được tám người dân đang tuyệt vọng ngồi trên mái nhà, không có đường rút. Đến rạng sáng hôm sau, thuyền của anh lại cứu thêm được bảy người nữa.
Anh Tâm nhớ lại: “Lúc đó nước chảy xiết lắm, chỉ cần lơ tay chèo hoặc vướng vào ngọn tre là bị nước cuốn đi luôn. Nhưng nghĩ đến chuyện cứu người thì mình cũng không quản chi. Cơn lũ năm nay quá dữ, nếu không có con trai hỗ trợ thì mình tôi không đủ sức mà chèo”.
Nhớ lại trận lũ năm 2007, anh Tâm cũng một mình mò mẫm trong đêm tối đi cứu người. Lúc đó, nhà chị Thơm (thôn Cấp Sơn, xã Cảnh Hóa) bị nước lũ xô sập, tấm lợp phi-bro rơi trúng đầu khiến chị mất nhiều máu. Chống chèo trong con nước xoáy, anh Tâm cũng kịp đưa chị Thơm đến trạm xá cấp cứu an toàn.
Hai người hùng
Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Gianh, từ nhỏ anh Tâm đã theo cha bôn ba với từng con nước, giăng từng mẻ lưới mưu sinh. Cuộc sống gia đình anh dựa vào hai con thuyền nhỏ mà dân chài lưới coi như “bảo vật”. Mỗi lần có người cảm ơn hay nhắc đến chuyện ra tay nghĩa hiệp, cứu người, anh Tâm cười: “Có chi mô, lũ lên ngập thì đi cứu người thôi”.
Vẫn chưa hết bàng hoàng sau cơn lũ dữ, chị Hoàng Thị Lan (thôn Trường Sơn, xã Phù Hóa) nhớ lại: “Đến 21 giờ hôm đó, nước đã vào nhà, ngập sâu hơn 3 m. Vợ chồng tôi bồng hai đứa con nhỏ dở mái ngói lên nóc nhà tránh lũ. Bên ngoài mưa càng ngày càng lớn, nước cứ ngập dần nhưng không biết cầu cứu ai. May còn gọi được điện thoại lên ủy ban xã để cầu cứu”.
Nhưng nước lũ lên nhanh, đội cứu hộ của ủy ban xã không đến kịp nên vợ chồng chị Lan càng nóng ruột. “Nhìn nước dâng cao không ngừng, vợ chồng tôi thêm hoảng loạn. Người lớn có thể bơi thoát ra ngoài nhưng còn hai đứa nhỏ thì làm sao”. Trong cơn tuyệt vọng thì vợ chồng chị gặp được thuyền anh Tâm đến vớt. Hai cha con anh chở gia đình chị lên trú ở trạm y tế xã rồi quay thuyền đi cứu người khác. “Vợ chồng tôi không biết cảm ơn anh Tâm như thế nào nữa. Người như anh Tâm thật đáng quý” - chị Lan xúc động.
Anh Tâm trong căn nhà nhỏ bị ngập nước lũ. Ảnh: Việt Phú
Ông Hoàng Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Phù Hóa, cho biết thời điểm đó, tình cảnh nhiều hộ dân như “ngàn cân treo sợi tóc”. Anh em cán bộ xã tủa ra khắp nơi giúp dân những xã vẫn liên tục nhận được những cuộc điện thoại cầu cứu. May có anh Tâm nhiệt tình, bất chấp nguy hiểm để chèo thuyền trong lũ đi cứu người.