Luật gồm VIII chương, 76 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022. Dù tại phiên thảo luận, có ý kiến đại biểu đề nghị bỏ quy định người lao động phải trả tiền dịch vụ (điều 23), nhưng Uỷ ban thường vụ Quốc hội vẫn đề nghị giữ quy định này.
Kết quả biểu quyết Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Cụ thể, theo báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần giảm tối đa chi phí tiền dịch vụ cho người lao động và tiến tới người lao động không phải chi trả tiền dịch vụ để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, như khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Tuy nhiên, trước mắt Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho tiếp tục quy định về tiền dịch vụ.
Để bảo đảm công khai, minh bạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 23 theo hướng làm rõ hơn về tiền dịch vụ, quy định chặt chẽ các nguyên tắc thu tiền dịch vụ. Trong đó có quy định trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ thì doanh nghiệp chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ hai bên đã thỏa thuận.
Luật cũng quy định mức trần tiền dịch vụ mà doanh nghiệp được thu từ người lao động, tiền dịch vụ được bên nước ngoài tiếp nhận lao động chi trả...