Dự án “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” của TS Đặng Hoàng Giang đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của nhiều bạn trẻ độ tuổi 16-22.
“Tôi bắt đầu dự án từ sau Tết âm lịch 2018. Tôi vẫn đang trong quá trình thu thập tư liệu. Mục đích là tìm hiểu về thế giới của các bạn trẻ khi đang chơi vơi ở giai đoạn không còn là trẻ con mà cũng chưa thành người lớn.
Điều làm tôi ngạc nhiên và bất ngờ nhất là những tổn thương tâm lý, những bi kịch tinh thần của họ. Nhiều bạn đang vật lộn để hiểu về những vết thương của mình, vừa phải tự chữa lành, vừa vùng vẫy đi tìm bản thân để trưởng thành trong thế giới của người lớn” - TS Đặng Hoàng Giang cho biết.
Tình yêu có điều kiện gây tổn thương khủng khiếp
. Phóng viên: Chẳng lẽ các bạn trẻ hiện nay, với điều kiện được chăm sóc tốt hơn thế hệ chúng ta, lại phải chịu đựng nhiều bi kịch đến thế sao?
+ TS Đặng Hoàng Giang: Trong những trường hợp tôi gặp, phần lớn những vết thương tới từ môi trường gia đình. Có những tổn thương rất sâu sắc mà cha mẹ hoặc không hề hay biết, hoặc không chịu thừa nhận, không cho nó quyền tồn tại. Nhiều cha mẹ yêu thương con không đúng cách - họ yêu con bằng tình yêu vô minh. Họ gắn tình yêu đó với vô số điều kiện: Thành tích học tập, sự phục tùng những mong muốn của họ về nghề nghiệp, về việc yêu đương. Họ đe dọa thu lại tình yêu thương khi họ không vừa lòng. Hơn thế nữa, họ mắng nhiếc, đánh đập, xúc phạm khi trẻ không làm được điều họ muốn hay không làm đúng điều họ muốn. Trong nhiều trường hợp, họ muốn đứa trẻ trở thành công cụ giúp họ nở mày nở mặt trước họ hàng, đồng nghiệp, thay vì muốn chúng phát triển bản thân một cách lành mạnh.
Cách nuôi dạy này phủ nhận cái tôi của trẻ. Đứa trẻ sẽ trải qua những cuộc khủng hoảng, những cơn sang chấn và phải dằn vặt giữa các lựa chọn: Hoặc tiếp tục xung đột với cha mẹ để phát triển bản thân theo hướng mình mong muốn trong học hành, công việc, chuyện tình cảm, hoặc buông xuôi, biến thành cục đất sét để cha mẹ nhào nặn. Khi đó, bên dưới không khí “hòa bình” trong gia đình và sự “nghe lời” của trẻ là một sự xa cách, lạnh lẽo. Trong thế giới hậu tuổi thơ này, nhiều bạn phải vật lộn để đi tìm chỗ đứng của bản thân, họ trở nên nổi loạn dữ dội, hoặc thành bạc nhược, chai sạn, trầm cảm. Trường hợp nào thì họ cũng bị phá hủy từ bên trong, họ trở nên căm ghét chính bản thân mình. Và bao trùm là một sự cô đơn khổng lồ.
Người lớn chúng ta đã và đang cư xử quá tàn nhẫn với bọn trẻ.
Trong thế giới hậu tuổi thơ này, nhiều bạn phải vật lộn để đi tìm chỗ đứng của bản thân, họ trở nên nổi loạn dữ dội, hoặc thành bạc nhược, chai sạn, trầm cảm. Ảnh minh họa
Phụ huynh Việt rất mâu thuẫn
. Tại sao nhiều cha mẹ lại yêu con với tình yêu gây đau đớn như thế? Có thể họ không ý thức được họ đang gây tổn thương cho những đứa trẻ đâu?
+ Rất nhiều phụ huynh từng sống trong tuổi thơ bị áp đặt, không được tôn trọng, không được lắng nghe, bị bạo hành. Sau đó họ lại cư xử với con em họ y như thế. Họ trở thành người không quản lý được những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi hay giận dữ. Họ từng bị xúc phạm nặng nề và giờ đây coi việc xúc phạm con cái mình là bình thường. Họ không biết cách hành xử khác. Một vòng tròn luẩn quẩn.
Bên cạnh đó, nhiều khi các mong muốn, kỳ vọng mà phụ huynh đặt lên con cái xuất phát từ cảm giác thất bại trong chính cuộc đời của họ. Do đó con cái phải thành công, thành đạt, hạnh phúc hộ họ, phải thực hiện giấc mơ của họ. Khao khát kiểm soát đời con để nó không đi “chệch ray” khiến họ sợ hãi, không dám trao cho con sự độc lập, tự chủ trong các quyết định của mình. Điều đó mới mâu thuẫn làm sao. Làm sao những đứa trẻ không được phát triển bản thân lành mạnh lại có thể trưởng thành và trở nên mạnh mẽ? Nhiều bạn trẻ bị giam cầm mãi mãi giữa một bên là tình yêu và nghĩa vụ mình phải trả cha mẹ và một bên là khao khát tự chủ của bản thân.
Sự mâu thuẫn của cha mẹ và tình yêu đi kèm điều kiện của họ có nguy cơ khiến người trẻ trở nên tàn phế về tâm lý, vì trong xã hội không có ai nhận ra và tôn trọng những xung đột nội tâm của chúng và giúp chúng giải quyết những xung đột này.
. Người lớn chúng ta phải có giải pháp để xoa dịu và hàn gắn những vết thương đó cho những người trẻ của chúng ta chứ?
+ Trong gia đình, người trẻ ở trong thế yếu của cán cân quyền lực, thật khó để bảo vệ họ trong môi trường bạo lực này. Tôi chỉ có thể đưa ra lời khuyên với những bạn trẻ mà tôi tiếp xúc là họ hãy về nhà và thử hỏi về tuổi thơ, tuổi trẻ của cha mẹ, về những tổn thương và cay đắng mà họ đã phải trải qua. Từ đó các bạn trẻ có thể thấu cảm hơn, khoan dung hơn để sự cay đắng, giận hờn bên trong mình không ngày một lớn mãi và đầu độc bản thân.
Tôi cũng khuyên các bạn trẻ hãy yêu thương bản thân, hãy tin vào giá trị sự tồn tại của mình cho dù cha mẹ bạn có nói điều ngược lại bao nhiêu lần đi chăng nữa. Khi yêu thương bản thân, bạn sẽ không dễ tuyệt vọng. Yêu thương bản thân sẽ giúp các bạn mạnh mẽ hơn.
Về phía phụ huynh, tôi mong muốn họ tạm gạt chuyện cơm áo gạo tiền sang một bên và ngồi xuống lắng nghe con em mình. Hãy đưa những đứa trẻ cô đơn về nhà, trên phương diện tinh thần và tình cảm và trò chuyện với chúng. Điều con trẻ cần nhất là sự lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng và tình yêu thương vô điều kiện. Đừng để chúng dần chết chìm trong sự cô đơn. TS ĐẶNG HOÀNG GIANG |