Ông Nobuyoshi Kan cho biết trước đây người Nhật có thói quen ăn cá biển nhưng vài năm trở lại đây, họ lại chuộng các loại cá nước ngọt vì số lượng cá nước ngọt ngày càng ít đi.
Đáng chú ý, người tiêu dùng Nhật Bản lựa chọn sản phẩm cá tra nhập từ Việt Nam vì có nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là chất omega 3. Chất lượng dinh dưỡng cá tra tốt như các loại cá có giá trị cao như cá hồi, cá tầm... và dễ dàng chế biến nhiều món ăn ngon.
Trước thông tin cá tra khó tiêu thụ ngay tại thị trường nội địa Việt Nam, ông Nobuyoshi Kan cho rằng có thể do thói quen tiêu dùng, người tiêu dùng Nhật Bản cũng như Việt Nam thích ăn cá tươi sống nên các sản phẩm đông lạnh rất khó tiếp cận. Nhưng sản phẩm chế biến sẵn, những sản phẩm cá tra giá trị gia tăng có thể khai thác như ở Nhật Bản như phi lê cá tra nướng, cá tra phi lê tẩm bột…
Ông Nobuyoshi Kan, chuyên gia người Nhật Bản, cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng sản phẩm cá tra chế biến sẵn để khai thác thị trường nội địa.
“Người tiêu dùng ăn thấy ngon, người ta quay lại mua tiếp. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam muốn khai thác thị trường nội địa cũng nên thăm dò người tiêu dùng, đưa ra thị trường những sản phẩm bắt mắt, khẩu vị lạ miệng thì chắc chắn sẽ tiêu thụ được” - vị chuyên gia Nhật gợi ý.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng (Godaco), chỉ ra nghịch lý cá tra xuất khẩu sang hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ. Những thị trường lớn đều là những thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chí chất lượng rất cao như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Cá tra Việt Nam chiếm hơn 50% thị phần thế giới thế nhưng tiêu thụ trong nước lại rất khó khăn. Trong khi DN nước ngoài rất thích thú thị trường bán lẻ Việt Nam vì thịt bò, thịt trâu, cá hồi... nhập khẩu giá cao vẫn tiêu thụ ào ào.
95% sản lượng cá tra xuất khẩu trong khi tiêu thụ nội địa quá ít.
"Hiện nay các DN quan tâm xuất khẩu chứ ít ai ngó ngàng thị trường nội địa khi hơn 95% dùng cho xuất khẩu vì bán được lượng lớn, đem tiền về liền. Hiện nay sản phẩm giá trị gia tăng của cá tra có hơn 50 mặt hàng, bao gồm hàng xuất khẩu còn nội địa chỉ có 6-7 mặt hàng" - ông Đạo nói.
Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng đang thay đổi, thu nhập người Việt ngày càng cao, họ sẽ chuộng sản phẩm chế biến sẵn, ăn nhanh nên DN quyết định quay trở lại thị trường nội địa.
Ông Đạo tiết lộ DN chọn sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sẵn… DN đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng hơn 30 triệu USD để cung cấp thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Cá tra chế biến sẵn được các DN lựa chọn khai thác nội địa.
Đánh giá sản phẩm cá tra vẫn có thể khai thác tốt thị trường nội địa, đại diện Siêu thị Co.opmart cho biết DN cần đổi mới sản phẩm vì người tiêu dùng thích sản phẩm mới mẻ, thích sản phẩm bắt mắt, lạ, chuộng ngoại. Trong khi hiện nay cá tra quá quen với người Việt, vì thế DN nên sáng tạo trong cách chế biến, đa dạng hóa sản phẩm để kích thích thu hút người tiêu dùng.