Hiện thị trường bán lẻ ở Việt Nam (VN) có dấu hiệu phục hồi tốt khi người tiêu dùng đã mạnh dạn chi tiêu vào những món hàng đắt đỏ. Điều này cho thấy một tín hiệu tích cực về sự tăng trưởng lạc quan của nền kinh tế trong thời gian tới.
Người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền mua hàng “xịn”
Thời gian qua, nhiều khách hàng chen chúc ở các trung tâm điện máy để mong muốn sở hữu điện thoại iPhone 15.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc điều hành Công ty Thế Giới Di Động, như trút được gánh nặng về nỗi lo người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, rất khó để bán được những chiếc điện thoại có giá trị cao. Bởi trước đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp (DN) này dự báo kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn. “Thế nhưng, từ đây đến tháng 11 chúng tôi sẽ giao 25.000 đơn hàng và bước qua quý I-2024 có thể tăng lên đến 100.000 đơn” - ông Hiểu Em cho biết.
Các DN khác như FPT, Di Động Việt, CellPhone… cũng có doanh số hàng ngàn điện thoại iPhone thế hệ mới nhất được bán ra trong thời gian ngắn.
Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đến DN dù đã có dấu hiệu tích cực về sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ DN khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do, kết nối cung - cầu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần giảm bớt các thủ tục, tháo gỡ các vướng mắc hiện còn tồn tại, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư cũng như khả năng tiếp cận vốn cho DN…
TS CẤN VĂN LỰC, chuyên gia kinh tế
Các chuyên gia phân tích VNDirect nhận định việc người tiêu dùng đổ xô đến các cửa hàng bán lẻ để mua điện thoại đời mới cho thấy tín hiệu tích cực về sự tăng trưởng lạc quan của nền kinh tế.
Theo ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế S&P Global Market Intelligence, trong tháng 9, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của VN đạt gần 50 điểm. Các công ty tiếp tục ghi nhận nhu cầu tiêu dùng tăng khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết: “Chúng tôi đang rất lạc quan với triển vọng nền kinh tế phục hồi nhờ vào sự quyết liệt của Chính phủ trong việc điều hành và kịp thời đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế và DN”.
Cần tiếp tục hỗ trợ DN tăng trưởng
Theo ông Nguyễn Anh Đức, để có thể phát triển tốt, cộng đồng DN nên có sự liên kết, chia sẻ, đặc biệt tập trung nguồn lực cho một lĩnh vực kinh doanh có thế mạnh. Ngoài ra, phải lắng nghe khách hàng để có những điều chỉnh chiến lược kinh doanh kịp thời. Đồng thời, đưa người tiêu dùng vào quá trình thiết kế sản phẩm và dịch vụ của DN nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thông tin: Các thống kê mới đây cho thấy các DN đang rất lạc quan về triển vọng tình hình kinh doanh vào cuối năm 2023. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục có những chính sách mạnh mẽ và tốt hơn nữa để tạo ra động lực, niềm tin khuyến khích DN quay lại sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới.
Theo ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng đầu tư VinaCapital, sự khó khăn kinh tế trong nửa đầu năm 2023 đến từ sức ép tồn kho lớn từ các nước Mỹ và châu Âu khiến các nước này giảm đặt hàng từ VN. Tuy nhiên, hiện đơn hàng đã bắt đầu gia tăng trở lại, cũng như các chính sách tích cực của Chính phủ trong việc hỗ trợ cho nền kinh tế đang giúp cộng đồng DN có sức tăng trưởng tốt hơn trong thời gian còn lại của năm 2023.
“Bước sang năm 2024, Mỹ và châu Âu sẽ đặt hàng mạnh mẽ, giúp sản xuất và xuất khẩu của VN tăng trở lại thì tăng trưởng GDP của VN trong năm 2023 được dự báo là 6,5%.
Nhìn về dài hạn, sự tăng tốc mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu cũng như việc VN đang vươn lên trong chuỗi giá trị các sản phẩm “Made in Vietnam” sẽ là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng lâu dài tại VN” - ông Andy Ho nói.
Nền kinh tế đang trên đà phục hồi
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về VN, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của VN ở mức 5,4% trong năm 2023 nhờ vào sự phục hồi tốt của nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Standard Chartered, nhận định áp lực về giá suy giảm sẽ tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách tập trung vào tăng trưởng. Song những lo ngại mới về sự trở lại của lạm phát trong nửa cuối năm có thể gây ra những tác động thiếu tích cực. Tuy nhiên, khi nền kinh tế trên đà phục hồi, VN sẽ không còn cần nhiều sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ.
Theo ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại VN, để VN đạt mức tăng trưởng GDP 6% như kế hoạch Chính phủ đặt ra thì VN nên tập trung thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Bởi việc này nằm trong tầm kiểm soát và chính sách cũng dễ thực thi để hỗ trợ. Trong khi đó, sự tăng trưởng đến từ xuất khẩu còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như địa chính trị, lạm phát, tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
“Hiện nay, VN đang kiểm soát khá tốt tỉ giá, lãi suất, lạm phát nên Chính phủ có nhiều dư địa để thực thi chính sách tài khóa. Lúc này, VN rất cần đẩy mạnh tốc độ giải ngân đầu tư công nhằm tạo ra xu hướng tích cực cho nền kinh tế. Tôi tin rằng với những nỗ lực của mình, Chính phủ VN hoàn toàn đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm nay” - ông Shantanu Chakraborty nói.
Hơn 39% DN cho rằng kinh tế sẽ tốt lên trong quý IV
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung tháng 9-2023, cả nước có hơn 116.000 DN đăng ký thành lập mới, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; 48.900 DN quay lại hoạt động, giảm 3,2%; 75.800 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2%; 46.100 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13.200 DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III-2023 cho thấy: Có 30,1% DN đánh giá quý III tốt hơn so với quý II-2023; dự kiến quý IV-2023 có 39,1% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III-2023.