Người viết bài từ thiện ém tiền ủng hộ bị nhân vật tố
Chị Vương Thị Nguyệt Thảo (SN 1987, ngụ tại ấp 5, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM) gọi điện đến đường dây nóng của chúng tôi trình bày về việc lịch tái khám bệnh cho em gái đã đến nhưng không có tiền trang trải viện phí. Qua đó, chị Thảo tố chị T.H - cộng tác viên của một tờ báo lớn có trụ sở tại TP.HCM đã có hành vi ém tiền bạn đọc hỗ trợ giúp các em chị chữa bệnh. Đó là 2 nhân vật trong mục từ thiện: Vương Thị Kim Phúc (10 tuổi) và Vương Quốc Đức (13 tuổi) - đều là em ruột của chị Thảo.
Theo lời chị Thảo, bé Phúc và Đức bị bệnh lao bẩm sinh. Do gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên không có tiền chữa trị. Đến khi bố mẹ qua đời vì bệnh lao, 8 đứa em được giao lại cho chị Thảo chăm sóc thì có đến 3 đứa mắc bệnh. Cái nghèo vẫn theo gia đình, một mình chị phải cáng đáng mọi chi tiêu trong nhà. Thấy các em bị bệnh nặng, ngày càng ốm yếu và quằn quại trong đau đớn, chị Thảo chỉ biết dằn vặt bản thân vì quá nghèo. “Cuốc sống gia đình đã đủ bao gánh nặng, tiền ăn không có thì lấy đâu tiền chữa trị cho em tôi đây…”- chị Thảo nói trong nước mắt.
Phúc và Đức bị bệnh lao di truyền từ cha mẹ.
Trước tết âm lịch vừa qua, hoàn cảnh gia đình chị Thảo và trường hợp hai em Phúc - Đức mắc bệnh lao đã được chị T.H đến chia sẻ. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và viết bài đăng trên báo, 2 em đã được các nhà hảo tâm hỗ trợ với số tiền 40.200.000 đồng để chữa bệnh.
Tuy nhiên, do chị Thảo không có chứng minh nhân dân nên không thể nhận được trực tiếp số tiền trên. Theo đó, số tiền bạn đọc hỗ trợ được chị T.H đề nghị ký giúp xác nhận và giữ lại, chia thành nhiều đợt để trang trải tiền viện phí cho các em của Thảo.
Chị Thảo cho biết, số tiền mà nhà hảo tâm ủng hộ là 40.200.000 đồng thì gia đình mới chỉ nhận được gần 26 triệu đồng (tính tới thời điểm trước ngày 2/4 - PV).
“Đến lịch đưa em đi tái khám và mua thuốc lao cho em uống, gia đình tôi không có tiền. Tôi tìm cách liên hệ với chị T.H thì chị ấy nói anh H. (là phóng viên báo này) đang giữ lại số tiền trên, gọi cho anh H. nhiều lần nhưng không thấy anh ấy bắt máy … Rõ ràng họ đá bóng cho nhau, đùn đẩy trách nhiệm”.
“Những lần tôi đưa em đi tái khám và chữa bệnh, chị T.H đưa tiền cho tôi mà cứ nạt nộ. Nhiều người ở chung phòng bệnh cũng bức xúc nói tiền của bạn đọc hảo tâm cho chứ có phải tiền của chị ta đâu mà quát người ta…”- chị Thảo kể lại.
Ngày 2/4 vừa qua, sau nhiều ngày liên hệ, cuối cùng chị này mới nhận lời đưa tiền cho Thảo để chị đưa các em đi khám. “Chị ấy hẹn gặp tôi ở ký túc xá - nơi chị ấy thuê ở và đưa cho tôi thêm 6.500.000 đồng để trang trải viện phí và thuốc men cho các em. Chị ấy dặn với tôi đừng có nói chuyện tiền bạc này cho ai biết vì dù có nói với ai đi chăng nữa thì cũng không ai giúp được gì: số tiền trên chị không lấy lại được đâu, cứ để từ từ tụi em đưa lại hết cho….”.
"Tôi buồn lắm. Thiệt tình tôi cũng không muốn đi đòi tiền như vậy đâu nhưng vì nghèo khó, thương em đau ốm, bệnh tật nên tôi mới gọi điện hối thúc họ để lo thuốc men cho em…” - chị Thảo nghẹn ngào.
Hiện tại, theo chị Thảo, số tiền nhà hảo tâm hỗ trợ cho các em của chị điều trị vẫn còn bị phóng viên T.H giữ là 6.870.000 đồng. Gia đình chị không biết bao giờ chị T.H mới chịu trả hết, mặt khác chị rất lo các em xảy ra chuyện nếu như không có tiền mua thuốc và tái điều trị.
Mong được đến trường
Kể về gia cảnh bi đát của mình, chị Thảo cho biết, gia đình chị có 10 người con, không có họ hàng thân thích. Trước đây, gia đình chị ngụ ở quận 6, cả nhà sống trên ghe. Trong một lần ghe lật, gia đình phải kéo nhau về ấp 5 để sinh sống (thời điểm đó cũng cách đây khoảng 10 năm - PV).
Căn nhà tạm bợ của gia đình gần chục người
Gia đình có bố mẹ vốn bị bệnh lao nên khi sinh ra, chị đầu lòng và ba đưa em út của Thảo cũng bị di truyền mà mắc bệnh theo. Cuộc sống gia đình đông con vốn đã khó, lại thêm cảnh bệnh tật nên càng éo le hơn. Do bị bệnh hiểm nghèo, không có tiền chữa trị nên bố mẹ và chị hai của Thảo lần lượt ra đi, để lại cho chị gánh nặng cứu mang 8 người em, trong đó có đến 3 đứa em bị bệnh lao di truyền..
Chị Thảo cho biết, trước đây, chị cũng theo chồng đi phụ hồ để kiếm tiền trang trải cuộc sống và lo tiền chữa trị cho em nhưng lực bất tòng tâm. Từ khi chị Thảo mang thai, anh Tâm (chồng chị Thảo) không cho đi làm nữa, các em của chị lại thường xuyên tái phát bệnh nên phải ở nhà chăm sóc. Hằng ngày, mấy đứa em kế tiếp Thảo phải đến chợ đầu mối Bình Điền mót cá, làm thuê cho người khác để kiếm tiền hỗ trợ chị lo bữa cơm qua ngày.
“Chồng tôi thương các em lắm nhưng vì nghèo quá, không có tiền chữa trị cho em. Hai vợ chồng nghèo không có chiếc xe mà đi phải thuê xe máy 300.000 đồng/tuần để đi làm phụ hồ ở cầu Phú Mỹ, mà công việc cũng bấp bệnh, không ổn định.
Cuộc sống gia đình khó khăn đến mấy tôi cũng gắng chịu được, điều buồn nhất là gần chục đứa em không có đứa nào được ăn học đàng hoàng. Tôi và mấy đứa em chỉ học đến lớp 3-4 là phải nghỉ rồi. Từ nhỏ lớn lên đã chịu cảnh nghèo, bố mẹ bệnh tật gia đình nghèo khó nên không lấy đâu ra tiền để đến trường. May sao tôi và mấy đứa lớn không mắc bệnh di truyền từ bố mẹ, được các sơ ở lớp tình thương cho học ngày 2 giờ nên còn biết mặt chữ. Tuy nhiên, 3 đứa em út của tôi hiện tại chưa ngày nào được đến lớp. Chúng bị bệnh lao nên không ai dám cho lại gần vì sợ lây…” - chị Thảo nghẹn ngào.
Gặp Phúc và Đức, hai đứa trẻ mắc bệnh lao, ngày qua ngày, các em bị hành hạ trong cơn đau, thân hình xanh xao, gầy còm, ốm yếu. Phúc nói: “Em và anh Đức chỉ chơi với nhau thôi, không có bạn nào chơi hết. Em buồn lắm, em muốn đến trường học lắm nhưng không được…”.
Trao đổi với chúng tôi, chủ tịch xã Hưng Long - ông Ngô Văn Nhân xác nhận hoàn cảnh của gia đình chị Vương Thị Nguyệt Thảo (SN 1987, ngụ tại ấp 5) rất khó khăn nên xã thường xuyên quan tâm.
Về vấn đề số tiền nhà hảo tâm tài trợ cho hai em, ông Nhân và cô Yến (phó chủ tịch xã) khẳng định: “Chị T.H của tờ báo đó đã ký xác nhận giữ số tiền trên để phân thành nhiều đợt hỗ trợ gia đình chị Thảo lo thuốc men và viện phí điều trị. Tuy nhiên, vừa rồi, chúng tôi có nhận được phản ánh của gia đình về chuyện không lấy được tiền đóng viện phí cho em vì chị T.H không hợp tác và có thái độ né tránh".
2 tờ giấy ký nhận được ký từ ngày 28/2 nhưng thực chất số tiền đó không được trao cho gia đình như ký nhận mà được chia ra làm nhiều đợt khiến cho quá trình "đi đòi tiền" chữa bệnh cho các em của chị Thảo rất vất vả.
Ngay sau đó, chúng tôi có liên lạc với chị T.H theo số điện thoại 016728…để cập nhật thông tin. Chị này cho biết mình không có lỗi trong chuyện này: “Tôi được anh H. giới thiệu cho trường hợp này nên đến viết bài giúp họ. Lúc giao nhận số tiền 40.200.000, vì muốn giữ giùm nhân vật nên tôi giữ một phần và giao cho anh H. 15.600.000 đồng để cung cấp cho gia đình khi cần. Vì thấy anh H cũng quen gia đình nên tôi tin tưởng, không nghĩ sau này gia đình liên lạc lại như vậy. Hiện tôi đã tìm gặp được anh H. và gửi thêm 6.500.000 đồng cho gia đình. Số tiền còn lại tôi cũng có hứa với gia đình là sẽ sớm gửi hết sau khi gặp lại anh H.”
Về vấn đề “thái độ” khi giao tiền cho nhân vật, chị này cũng chia sẻ: “Thật ra là do tôi bực anh H. – anh ấy giữ tiền nhưng lại không đưa làm người ta cứ gọi cho tôi đòi nên tôi mới khó chịu vì bị làm phiền như vậy”.