Người xưa trị tội phạm tham nhũng như thế nào?

(PLO)- Từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long đều có những quy định từ nhẹ đến nặng để trị tội phạm tham nhũng.

Từ xưa đến nay, tham nhũng luôn là vấn đề nhức nhối của mỗi quốc gia. Người ta bắt tay đi tìm nguyên nhân, nguồn gốc của tham nhũng và tìm cách để trị "căn bệnh" này. Có nhiều giải pháp nhưng điểm chung là mỗi nước đều xây dựng một hệ thống pháp luật nghiêm minh để xử lý những người có hành vi tham nhũng.

Và điều này không chỉ mới có ở thời hiện đại, tư tưởng pháp trị đã có từ xưa. Ở nước ta, điều này được thể hiện rõ tại hai bộ cổ luật là Bộ luật Hồng Đức dưới thời nhà Hậu Lê và Bộ luật Gia Long dưới thời nhà Nguyễn.

Nội dung này cũng được hai tác giả TS - luật sư (LS) Phan Đăng Thanh và LS Trương Thị Hòa nêu cụ thể tại cuốn sách "Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long".

Cuốn sách Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long. Ảnh: DI LINH

Quy định trị tội phạm tham nhũng tại Bộ luật Hồng Đức

Theo hai tác giả, “Liêm chính’ có nghĩa là trong sạch và ngay thắng - một phẩm chất cao quý của con người, mà người có quyền cai trị thường không giữ được trọn vẹn. “Tham nhũng” là lợi dụng quyền hành để gây thiệt hại cho Nhà nước và gây phiền hà, khó khăn để lấy của dân.

Bộ luật Hồng Đức của nhà Lê Sơ có đến 40 điều/722 (hơn 5% tổng số điều luật) có nội dung trực tiếp phục vụ cho việc bài trừ nạn tham nhũng trong quan lại.

Hiện tượng tham nhũng vào thế kỷ XV ở nước ta chủ yếu tập trung ở 3 lĩnh vực: đất đai (điền sản), thuế má và hối lộ, cho nên hành vi tham nhũng dưới thời Hậu Lê đã được Bộ luật Hồng Đức quy định phòng, chống qua 2 đối tượng là: tham ô, gian lận nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà nước; và nhũng lạm để cưỡng đoạt tài sản hối lộ của nhân dân.

Có thể kể đến một số quy định nổi bật như: Điều 226 Bộ luật Hồng Đức quy định “Những vị đại thần và bách quan trong kinh thành, nhà cửa, vườn tược chỉ được 3 mẫu trở lại (...). Nếu người nào lạm chiếm quá phần ở đã định, thì bị tội xuy đánh 50 roi, biếm một tư; người có vườn ao rồi lại chiếm đất nơi khác, thì tội thêm một bậc. Nếu có công được vua thêm đất thì không kể”.

“Xã quan không y kỳ hạn mà nộp thuế, hay là cố ý giữ lại mà biển thủ đi để đến nổi thiếu thuế; quan lộ phải xét thực tâu lên, kẻ phạm tội phải khép vào tội đồ hay lưu (…)” - Điều 176.

Để phòng, chống hành vi tham nhũng hối lộ, cưỡng đoạt tài sản nhân dân, Điều 138 quy định “Quan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lộ từ 1 quan đến 9 quan thì xử tội biếm hay bãi chức, từ 10 quan đến 19 quan thì xử tội đồ hay lưu, từ 20 quan trở lên thì xử tội chém…”...

"Qua Bộ luật Hồng Đức, cho thấy trong xã hội Đại Việt, từ việc nhũng nhiễu nhỏ (tham nhũng vặt) đến việc tham ô lớn, từ việc xâm phạm quyền lợi của nhân dân đến hành vi gây thiệt hại cho công quỹ, tài sản Nhà nước, đều có điều luật cụ thể quy định xử phạt nghiêm khắc...", tác giả nhận định.

Hai tác giả TS - luật sư (LS) Phan Đăng Thanh và LS Trương Thị Hòa trong buổi ra mắt sách. Ảnh: DI LINH

Nhà Nguyễn quy định nghiêm khắc hơn

Kế thừa và phát triển Bộ luật Hồng Đức, nhà Nguyễn khi xây dựng Bộ luật Gia Long tỏ ra càng nghiêm khắc hơn trong việc phòng, chống, bài trừ tệ nạn tham nhũng, hối lộ.

Bộ luật Gia Long có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng. Đặc biệt, Bộ luật này đã dành một chương riêng gồm 9 điều luật và 6 điều lệ để quy định về tội nhận hối lộ.

Điều 312 Bộ luật Gia Long quy định: Nhân việc nhận tiền của tất phải có người trung gian để mối lái việc đưa tiền, cho nên lại có tội đưa tiền đến để lo việc (…)” (như tội môi giới hội lộ ngày nay - PV) . Nhận tiền nhiều đến mức phạm tội tử, mà tội đưa tiền đến thì phạt 100 trượng(…).

Còn theo Điều 314, phàm quan lại thừa hành việc gì mà trước đó không đòi tiền, sau khi xong việc lại nhận tiền, thì nếu là trường hợp xét xử sai, chuẩn luận tội uổng pháp. Trường hợp không xét xử sai, chuẩn theo bất uổng pháp mà luận tội (…).

Không chỉ điều chỉnh với người có chức vụ, quyền hạn, điểm tiến bộ của Bộ luật Gia Long còn được thể hiện thông qua quy định áp dụng đến cả người nhà của họ.

Cụ thể, Điều 318 quy định người nhà của các quan lại giám lâm (bao gồm anh em, con cháu cho đến nô bộc) trong vùng có hành vi sách nhiễu, vay mượn của nhân dân, mua bán đồ vật để lấy lời nhiều điều bị xử nhẹ hơn tội của bản quan hai mức (…). Nếu quan lại sở tại biết rõ sự việc phải chịu cùng tội, nếu không biết thì không phải chịu tội…

Các vụ án trên thực tế

Cuốn Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long vừa được tái bản. Ảnh: MINH HOÀNG

Trên thực tế, trong hàng các vua triều Nguyễn, Minh Mệnh là vị vua nổi tiếng kiên quyết, nghiêm khắc với các quan lại tham ô, nhũng lạm.

Theo Đại Nam thực lục, năm 1831, viên Tư vụ phủ Nội vụ là Nguyễn Đức Tuyên ăn bớt nhựa thơm, gian dối bị phát hiện, Tuyên bị xử tử hình.

Năm 1823, viên thư lại phủ Nội vụ là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng. Theo luật, tội này sẽ bị chém nhưng xét thấy y có nhiều công trạng nên Bộ Hình đề nghị giảm xuống tội đồ. Vua Minh Mệnh không chấp thuận, ra lệnh phải đem can phạm ra trước chợ Đông Ba chém đầu, cho mọi người cùng thấy mà tự khuyên răn nhau để sửa mình.

Đặc biệt, một vụ án nổi tiếng trong lịch sử, xảy ra vào năm Canh Thìn (1820), vua Minh Mệnh hạ án xử tử Phó Tổng trấn thành Gia Định là Huỳnh Công Lý (cha vợ vua Minh Mệnh) vì đã tham nhũng số tiền lên đến 30.000 quan, bị quân dân tố cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới