Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý không được chủ quan với dịch bệnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sáng 6-4.
Sẽ có máy thở thay thế nguồn nhập khẩu
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết hiện chúng ta đã sản xuất được khẩu trang y tế và trang phục phòng hộ cho y, bác sĩ từ nguồn nguyên liệu trong nước để phục vụ công tác phòng, chống dịch trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Về máy thở, chúng ta đang nghiên cứu sản xuất máy thở xâm nhập, không xâm nhập, sắp tới sẽ có máy thở thay thế nguồn nhập khẩu.
“Hiện số lượng trang thiết bị, vật tư y tế, máy thở, đồ bảo hộ... đã sẵn sàng cho tình huống xuất hiện 10.000 bệnh nhân mắc COVID-19. Đồng thời, Tiểu ban hậu cần đang lên phương án chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế... cho các tình huống xấu hơn, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả” - Thứ trưởng Trương Quốc Cường thông tin.
Liên quan đến công tác điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết bộ đã ban hành công điện yêu cầu tất cả bệnh viện nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.
Theo đó, tất cả người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay hoặc cách ly, chuyển tuyến đúng.
Bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn cho tất cả nhân viên y tế khi khám và điều trị cho người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19. Trường hợp người bệnh cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ thì kíp cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân như khi cấp cứu người nhiễm COVID-19.
Dựa trên tình hình thực tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bố trí các phòng khám theo nguyên tắc ở khu vực bên ngoài các khối nhà chính, khối nhà nội trú; phòng ngừa tối đa nguy cơ lây nhiễm vào các khu bên trong.
“Người dân trước đây khi khám bệnh thường đến thẳng bệnh viện, bây giờ trước khi đến thăm khám (trừ trường hợp cấp cứu) bà con nên liên hệ với cơ sở y tế để được hướng dẫn, đặt lịch hẹn khám trước…, bảo đảm giãn cách xã hội” - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo.
Hành khách được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM chiều 6-4. Ảnh: HOÀNG GIANG
TP.HCM: Xây dựng bảng chấm điểm nguy cơ lây nhiễm
Chiều 6-4, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM đã họp trực tuyến nghe báo cáo về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những nỗ lực quyết liệt của các ngành, các cấp, góp phần làm cho TP có nhiều tín hiệu khả quan và năng lực của TP phòng, chống dịch ở nhiều khía cạnh đã đảm bảo. Đơn cử như năng lực cách ly tập trung hiện nay đã sẵn sàng 12.600 chỗ, còn dư 8.400 chỗ.
Còn về năng lực chữa bệnh, ông Nhân cho biết TP đã chuẩn bị 2.300 giường bệnh với 1.000 giường đã sẵn sàng với đầy đủ các phương tiện, trong khi hiện TP chỉ còn 31 người nhiễm bệnh đang điều trị.
Trong tuần thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, ông Nhân cho biết TP.HCM đã ứng dụng công nghệ để quan sát đám đông, từ đó nhắc nhở kịp thời những người tụ tập.
TP cũng tăng cường xét nghiệm nhanh để sàng lọc những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh. TP cũng đã ký kết giữa chính quyền quận/huyện, phường/xã với các doanh nghiệp (DN) để đảm bảo yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch. TP đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm ở các cơ sở sản xuất. “Những nơi nào đã ký kết rồi phải làm ngay bước thứ hai là xây dựng bảng chấm điểm nguy cơ lây nhiễm của các cơ sở sản xuất này” - ông Nhân nói và giải thích thêm như ở một công ty có 70.000 công nhân đi làm thì phải chấm điểm tiêu chí khoảng cách làm việc, đeo khẩu trang...
Liên quan đến bộ tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm tại DN, từ ngày 6-4, UBND TP.HCM đã ban hành bộ chỉ số này với 10 chỉ số thành phần. Gồm có: Số lượng công nhân đang làm việc tập trung; mật độ người làm việc tại các phân xưởng; người lao động sát khuẩn trước khi ra vào công xưởng; tỉ lệ công nhân đeo khẩu trang lúc làm việc; tỉ lệ công nhân được đo thân nhiệt trước khi vào công xưởng. Đồng thời có số người ăn tại nhà ăn; số công nhân đi làm bằng xe đưa đón; số khu vực, địa điểm trả - đón công nhân; công ty phát khẩu trang cho công nhân; ca làm đêm…
Mỗi chỉ số thành phần đều có điểm số để DN tự đánh giá và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của TP sẽ giám sát chỉ số rủi ro lây nhiễm của DN. Nếu chỉ số rủi ro lây nhiễm từ 80% đến 100% thì DN đó phải ngừng sản xuất. Chỉ số rủi ro lây nhiễm từ 50% đến 80% thì DN phải có giải pháp để giảm rủi ro mới được sản xuất; chỉ số 30%-50% thì DN có thể sản xuất với điều kiện không có chỉ số thành phần từ 7 điểm trở lên. Chỉ số rủi ro lây nhiễm dưới 30% thì DN được sản xuất với điều kiện phải kiểm tra định kỳ và khắc phục các hạn chế đối với chỉ số thành phần cao nhất; chỉ số rủi ro lây nhiễm 10%, tức rất ít rủi ro thì DN được sản xuất bình thường.
Phó Thủ tướng trân trọng cám ơn nhân dân Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, sáng 6-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (ảnh) khẳng định Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh.
Thay mặt Ban chỉ đạo quốc gia, Phó Thủ tướng trân trọng cám ơn nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế. Hơn thế, rất nhiều tổ chức, DN, cá nhân, từ những cụ già tới các em nhỏ đã có muôn vàn hành động rất đẹp, hết sức ý nghĩa để tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho cuộc chiến chống dịch. |
Thêm bốn ca mắc mới, đã có 95 ca khỏi bệnh Chiều 6-4, Bộ Y tế công bố bốn ca nhiễm COVID-19 mới tại Việt Nam, nâng số người nhiễm COVID-19 tại Việt Nam lên 245 người. Bệnh nhân 242 (BN242): Nữ, 34 tuổi, có địa chỉ tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, sinh sống và làm việc tại Nga. Ngày 25-3, bệnh nhân từ Nga về Việt Nam, nhập cảnh tại sân bay Nội Bài. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa đi cách ly tại ký túc xá ĐH FPT, Thạch Thất, Hà Nội. Bệnh nhân 243 (BN243): Nam, 47 tuổi, cư trú tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ngày 12-3, bệnh nhân đưa vợ đi khám bệnh tại Khoa miễn dịch - dị ứng, BV Bạch Mai và về trong ngày, ăn uống tại quán cơm đường Giải Phóng đối diện cổng bệnh viện. Từ đó đến nay chưa quay lại bệnh viện. Ngày 30-3, bệnh nhân khai báo trạm y tế và được cách ly tại nhà ở Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội, không có biểu hiện triệu chứng. Bệnh nhân có tiếp xúc gần với người nhà, người thân và bạn kinh doanh. Ngày 4-4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đến ngày 6-4 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương Cơ sở 2.
Bệnh nhân 244 (BN244): Nữ, 44 tuổi, có địa chỉ tại Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, nhân viên phục vụ quán ăn nhanh tại Đức. Bệnh nhân từ Đức đến Nga, nối chuyến từ Nga về Việt Nam, nhập cảnh tại sân bay Nội Bài ngày 25-3. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa đi cách ly tại ký túc xá ĐH FPT, Thạch Thất, Hà Nội . Bệnh nhân 245 (BN245): Bệnh nhân nữ, 21 tuổi, địa chỉ tại Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An, nhân viên làm móng tại Tây Ban Nha. Bệnh nhân từ Tây Ban Nha đến Nga, nối chuyến từ Nga về Việt Nam, nhập cảnh sân bay Nội Bài ngày 25-3. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung tại ký túc xá ĐH FPT, Thạch Thất, Hà Nội. • Cũng trong ngày 6-4, thêm bốn bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Đó là các bệnh nhân: BN122 (nữ, 24 tuổi), điều trị tại BV Đà Nẵng; BN154 (nữ, 23 tuổi) điều trị tại BV Lao và Bệnh phổi Cần Thơ; BN117 (nam, 30 tuổi) và BN118 (nữ, 23 tuổi) điều trị tại BV đa khoa Tây Ninh. |