Sáng 11-1, phiên tòa phúc thẩm xét xử Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng - VNCB) và các đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng tiếp tục tranh luận.
Luật sư (LS) và các bị cáo nêu ra nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát hàng ngàn tỉ đồng.
Ngay đầu phiên xử, bị cáo Danh lấy lý do “trí nhớ kém” để xin được trình bày thêm. Cụ thể, đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm triệu tập chủ tịch Công ty Phương Nam và đề nghị tiếp tục kê biên Khu du lịch Long Hải.
Trước đó, bị cáo Danh đề nghị xem xét những nỗ lực, xác định công - tội. Bị cáo đã bỏ cả tài sản cá nhân để cân đối thanh khoản của ngân hàng, trả lãi khách hàng.
“Tôi có lấy 5-10 tỉ đồng trả lương cho nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh thì cũng chỉ là khoản nhỏ đối với những gì tôi bỏ ra để cứu VNCB” - bị cáo Danh trình bày.
Phạm Công Danh.
Đồng thời, bị cáo Danh cũng đề nghị xem xét lại bản chất khoản tiền liên quan đến ông Trần Quý Thanh và thu hồi các khoản tiền để khắc phục hậu quả; được cơ hội bán sân vận động để khắc phục hậu quả...
Còn LS bào chữa cho rằng nhóm của bà Hứa Thị Phấn đã không thực hiện đúng quy định pháp luật trong giao dịch chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín với Danh. Quá trình thực hiện không đúng hợp đồng ký kết, dòng tiền trả cho bà Phấn có dấu hiệu phạm tội. Do vậy, cần thu hồi tất cả những khoản tiền liên quan giữa Danh và bà Phấn để khắc phục hậu quả.
LS cũng không đồng tình với án sơ thẩm cho rằng "nguyên nhân khách quan do bị cáo tự tạo ra”. Theo LS, NH Đại Tín thua lỗ và sau này là VNCB mỗi ngày thua lỗ 5-6 tỉ đồng... Sự sụp đổ sau này của VNCB không phải do nguyên nhân việc Danh rút tiền.
Về số tiền 5.490 tỉ đồng, LS cho rằng là mối quan hệ vay mượn giữa Danh và ông Thanh, bà Bích. LS cho rằng so với cấp sơ thẩm thì VKS đề nghị thu hồi tiền cho cao hơn cấp sơ thẩm 304 tỉ đồng. Cạnh đó, LS cũng đề nghị xem xét khoản tiền 2.760 tỉ đồng được LS cho là khoản lãi không hợp pháp.
Và theo LS, việc thu hồi 3.600 tỉ đồng đã trả cho bà Phấn, phát mại tài sản sân vận động Chi Lăng và bất động sản ở 209 Trường Chinh có thể khắc phục được toàn bộ thiệt hại của hai giai đoạn của vụ án.
Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) đề nghị xem xét lại số liệu liên quan đến việc thua lỗ của VNCB kể từ khi Danh nắm quyền điều hành. Nói về hoàn cảnh đưa đẩy đến nguyên nhân vụ án, Mai giãi bày: “Việc này tự rơi vào đầu Phạm Công Danh và các bị cáo, không ai muốn điều này”.
Phan Thành Mai.
Theo bị cáo này, việc tiếp nhận, điều hành VNCB sau này gặp nhiều áp lực về thành khoản, các khoản lãi ngoài. Đồng thời HĐQT mới cũng chưa được trao quyền đầy đủ…
Bị cáo Mai cũng kiến nghị thu hồi các khoản tiền liên quan được làm rõ tại hai phiên tòa.
Và Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) cho là bối cảnh dẫn đến vụ án này nợ của người dân. Chính cái đó dẫn đến sự đổ vỡ của VNCB. Việc chăm sóc khách hàng bắt nguồn từ thời Đại Tín và Danh bị đưa vào vòng xoáy chăm sóc khách hàng.
Về hành vi của mình, Khương xin áp dụng tình tiết giảm nhẹ có lợi...