Chiều 7-10, di hài nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã được an táng tại quê nhà ở khu Ma Vang, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cùng hàng ngàn người dân đã đưa tiễn người con ưu tú của dân tộc về với đất mẹ.
“Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt bác Đỗ Mười…”
Trước đó, sáng 7-10, lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười được tổ chức trọng thể tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội và tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM).
Tại Hà Nội, đọc điếu văn tiễn biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người đảng viên cộng sản kiên trung, suốt đời cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
“Đồng chí Đỗ Mười mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đối với gia quyến đồng chí Đỗ Mười, để lại niềm tiếc thương đối với bạn bè quốc tế” - điếu văn nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động ôn lại tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cùng nhiều công lao to lớn và cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
“Là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt, tiêu biểu của Đảng, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng mang hết nhiệt huyết, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào những vấn đề lớn của đất nước” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói và khẳng định nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn quan tâm tới vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thường xuyên nhấn mạnh phải xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, giữ vững nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa rời quần chúng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
“Đồng chí luôn thể hiện tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, sống giản dị, khiêm tốn, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân lên trên hết. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ chiến sĩ cả nước yêu quý, học tập và noi theo.
Trong gia đình, đồng chí là người chồng, người cha, người ông, người cụ mẫu mực, đức độ, giàu đức hy sinh và lòng nhân ái” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói và cho rằng với 102 tuổi đời, 80 năm tuổi Đảng, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân.
“Hôm nay, chúng tôi có mặt tại đây để bày tỏ lòng tiếc thương và tình cảm sâu sắc, tiễn đưa đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng... Trong giờ phút tiếc thương và xúc động này, chúng tôi xin trân trọng gửi tới toàn bộ gia quyến đồng chí Đỗ Mười lời chia buồn sâu sắc nhất, trước nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp được.
Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt bác Đỗ Mười kính mến của chúng ta” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động nói.
Tại TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ; đại diện các ban, ngành, đoàn thể; các vị chức sắc tôn giáo… dự lễ truy điệu cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thả những nắm đất đầu tiên xuống huyệt mộ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh: TTXVN
“Chúng con không còn bố nữa”
Ông Nguyễn Duy Trung, con trai nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, sau đó đã thay mặt gia quyến gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các ban, bộ ngành, đoàn thể trung ương và địa phương, các giáo sư, y, bác sĩ đã ngày đêm quan tâm chăm sóc, tổ chức tang lễ và động viên gia đình vượt lên những khó khăn, đau thương mất mát.
“Thưa bố kính yêu, từ nay trong căn nhà ấm cúng, chúng con không còn bố nữa. Những bữa cơm đạm bạc hằng ngày, chúng con không được ngồi cùng ăn với bố nữa. Những quyển sách trên bàn bố đang đọc, chiếc phản gỗ đơn sơ bố thường nằm nghỉ bên phòng làm việc vẫn còn đó. Giờ đây, bố đã đi xa rồi. Bố về với Bác Hồ, về với tổ tiên, về với mẹ của chúng con.
Từ nay chúng con không bao giờ được gặp bố nữa. Thưa bố, khi còn sống, bố luôn dạy bảo, nhắc nhở chúng con phải cố gắng học tập, rèn luyện mọi mặt theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Có những điều chúng con đã thực hiện được và còn những điều chúng con chưa làm tốt. Chúng con xin hứa và nguyện thực hiện theo những điều bố đã dặn” - ông Trung xúc động nhắc lại lời dặn dò của người cha vừa qua đời.
Khi quân nhạc cử bài Hồn tử sĩ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQViệt Nam, đại diện các bộ, ban, ngành... đã đi quanh linh cữu, lần cuối tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Phía bên ngoài Nhà tang lễ Quốc gia, rất nhiều người dân đã có mặt từ rất sớm để chờ giây phút tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Nhiều cụ ông, cụ bà, các em học sinh cùng hàng ngàn người dân mang theo di ảnh nguyên Tổng Bí thư đứng hai bên đường tiễn biệt. Trên đường di quan về khu Ma Vang, huyện Thanh Trì, hàng ngàn người dân đứng chật kín bên đường
tiễn đưa người con ưu tú của dân tộc về nơi an nghỉ…
Bà Trần Thị Thu Trang (56 tuổi) từ Tiền Giang ra tận Hà Nội để viếng. Bà cho hay: Là thế hệ sau, không có cơ hội được gặp ông Đỗ Mười. Nhưng vào những năm khó khăn nhất của thời kỳ bao cấp, người dân Tiền Giang đều nhắc: “Nhờ có ông mà người dân có cuộc sống bình an, có cơm no áo ấm…”.
Ông Nguyễn Xuân Hùng (90 tuổi) đến từ Ứng Hòa (Hà Nội) cũng rơm rớm nước mắt nhớ lại, khi mới 10 tuổi, ông đã từng mang cơm và làm hoa tiêu dẫn đường cho nguyên Tổng Bí thư trong thời gian hoạt động bí mật.
Linh cữu nguyên Tổng Bí thư được rước qua nhiều tuyến phố như lời từ biệt trước khi ông an nghỉ tại quê nhà ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì…
1.600 đoàn với hơn 600.000 người dân đến viếng Nhiều tổ chức quốc tế, lãnh đạo các nước đã đến viếng, chia buồn nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Nhận tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần, lãnh đạo các nước, các đảng đã gửi thư, điện chia buồn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân Singapore Lý Hiển Long đã gửi thư chia buồn, bày tỏ chia buồn; đánh giá cao vai trò quan trọng của nguyên Tổng Bí thư trong việc làm sâu sắc quan hệ hợp tác song phương giữa Singapore và Việt Nam, cũng như mối quan hệ giữa hai Đảng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên cũng gửi điện chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh giá ông là nhà cách mạng lão thành, nhà hoạt động chính trị danh tiếng của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tổng thống Cộng hòa Belarus Alexander Lukashenko đã gửi thư chia buồn tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản; Đảng Cộng sản các dân tộc Tây Ban Nha; Chủ tịch Đảng Cộng sản Đức Patrik Köbele và Trưởng ban Đối ngoại Günter Pohl; Tổng Thư ký Ban Thư ký Hội nghị Quốc tế các đảng chính trị châu Á Park Ro-byung đã gửi thư, điện chia buồn tới Đảng Cộng sản Việt Nam… Trong hai ngày 6 và 7-10, các đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) và Hội trường Thống Nhất (TP.HCM). Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tuyên Quang tổ chức lễ tưởng niệm, cầu siêu và tụng kinh cho hương linh nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại chùa An Vinh, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. |